Tinh gọn để hoạt động hiệu lực, hiệu quả - Kỳ cuối: Quyết liệt nhưng không nóng vội
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập là vấn đề quan trọng đang được quan tâm triển khai. Ðảm bảo hiệu lực, hiệu quả cao nhất là đích đến cuối cùng.
Kỳ cuối: Quyết liệt nhưng không nóng vội
Quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập đòi hỏi quyết tâm cao để đạt từng mục tiêu cụ thể. Song, không vì thế mà chủ quan, nóng vội.
Không tránh khỏi “tâm tư”
Đến nay, hơn 2 tháng tính từ thời điểm thành lập với việc hợp nhất từ Trung tâm VH-TT&TT (cũ) và Đài Truyền thanh, hoạt động của Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn đã tương đối ổn định.
Theo ông Đoàn Văn Chư, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn, thời điểm trước và sau khi vừa hợp nhất, phần lớn cán bộ, nhân viên đều trong trạng thái tâm lý dao động. Tuy nhiên, nhờ vào chủ trương giữ vững các vị trí việc làm như trước khi hợp nhất, lại thêm năng lực chuyên môn của các cán bộ, nhân viên đều vững, nên mọi thứ dần đi vào ổn định.
Đồ họa: HỒNG QUẢNG
Trong khi đó, từ ngày 1.3.2019, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tỉnh chính thức hoạt động tại trụ sở của Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn. Tuy vậy, bộ máy lãnh đạo cơ quan chưa “chuẩn”, mới chỉ có 1 phó giám đốc phụ trách và 3 cấp phó. Theo quy hoạch, ban lãnh đạo sẽ chỉ còn 2 phó giám đốc. Bên cạnh đó, do chưa thông qua đề án vị trí việc làm nên các trưởng, phó phòng của các cơ sở dạy nghề cũ hiện đang làm việc ở cương vị nhân viên. Điều đó khiến một số cán bộ, nhân viên của Trung tâm không tránh khỏi “tâm tư”.
Vướng mắc từ nhiều phía
Đi đầu về sáp nhập trường học, huyện Hoài Nhơn đang có những “vướng víu” liên quan đến chính sách. Theo Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT ngày 22.8.2018 của Bộ GD&ĐT, tiêu chuẩn trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia là mỗi trường không quá 30 lớp. Nhưng sau khi sáp nhập, hợp nhất, các trường tiểu học ở Hoài Nhơn có số lớp vượt hơn rất nhiều. Điển hình, Trường Tiểu học Bồng Sơn có 60 lớp, Trường Tiểu học Hoài Đức có 38 lớp.
Tinh giản biên chế chưa như mong đợi
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, đến nay toàn tỉnh đã giảm được 84 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở, ngành và đơn vị sự nghiệp trực thuộc các chi cục và tương đương. Ðồng thời, chuyển 5 đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần; chuyển 7 đơn vị sự nghiệp công lập sang thực hiện tự chủ hoàn toàn về tài chính, Nhà nước không giao biên chế.
Tuy nhiên, kết quả tinh giản biên chế thời gian qua chủ yếu vẫn thuộc diện nghỉ hưu đúng tuổi. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, tiến độ tinh giản biên chế của Bình Ðịnh còn chậm, đặc biệt là tỷ lệ tinh giản ở các đơn vị sự nghiệp công lập còn thấp hơn mức bình quân của cả nước. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã tinh giản được 2.107 biên chế, đạt 77,7% so với kế hoạch đến năm 2021.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang, tinh giản đối với những người bị đánh giá, xếp loại 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ gần như không có. “Ðể khắc phục tình trạng này, cần quan tâm đến công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm đảm bảo chính xác để có cơ sở tinh giản biên chế hợp lý, thuyết phục”, ông Giang nói.
Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn Phạm Trương thẳng thắn bày tỏ: “Chúng tôi chấp hành chủ trương chung với tâm thế sẵn sàng vào cuộc. Việc sáp nhập một số trường đã hoàn thành trước khi thông tư, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT ban hành. Việc đạt chuẩn quốc gia cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là đảm bảo hiệu quả giáo dục, tạo thuận lợi cho cả học sinh, phụ huynh và nhà trường”.
Với Trung tâm GDNN tỉnh, cơ sở vật chất tại cơ sở hiện tại không phù hợp với chức năng mới. Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh được thiết kế phục vụ cho việc học lý thuyết. Trong khi, cả Trung tâm GDNN Hội LHPN tỉnh và Trung tâm GDNN và giới thiệu việc làm thanh niên Bình Định đều có xưởng thực hành. Riêng việc vận chuyển các thiết bị về trung tâm mới cũng đã khó vì thiếu kinh phí thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Kim Vân, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN tỉnh, trao đổi thêm: “Trước thời điểm hợp nhất 2 tháng, Trung tâm GDNN Hội LHPN tỉnh đã hoàn thành lắp đặt phòng chăm sóc sắc đẹp hiện đại theo gói tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Song, với việc hợp nhất, Hội LHPN tỉnh sẽ thu về những thiết bị do KOICA tài trợ, Trung tâm GDNN tỉnh chỉ mang theo những thiết bị không thuộc gói này. Như vậy là dở dang cho cả hai bên, hơn nữa sẽ rất lãng phí, ảnh hưởng đến uy tín đối với nhà tài trợ”.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu thực hiện hợp nhất, sáp nhập, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn những khó khăn trong công tác tổ chức. Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long, đáng chú ý là chưa thống nhất về quản lý giữa tổ chức Đảng và chính quyền, đoàn thể. Như Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh sau hợp nhất đến nay vẫn còn 2 tổ chức Đảng trực thuộc Đảng ủy Sở Y tế và Huyện ủy Phù Cát. Cần sớm khắc phục bất cập này để đảm bảo thống nhất, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Không bàn lùi!
Báo Bình Định là một trong những đơn vị được đánh giá có những nỗ lực đáng ghi nhận và đạt kết quả bước đầu trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Cụ thể, Báo đã hợp nhất Phòng Kinh tế - KHCN và Phòng Văn hóa - Xã hội thành Phòng Kinh tế - Văn hóa - Xã hội, Phòng Xây dựng đảng - Nội chính và Phòng Bạn đọc - Tư liệu thành Phòng Xây dựng đảng - Nội chính - Bạn đọc. Qua đó, từ 7 phòng giảm còn 5 phòng chuyên môn.
“Ban đầu cũng không tránh khỏi nghi ngại, song lãnh đạo đơn vị vẫn quyết tâm làm với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Quan trọng là tìm giải pháp khắc phục, chứ không phải thấy khó thì chùn bước. Kết quả thực hiện đến nay cho thấy đây là việc làm cần thiết, mang lại hiệu quả tích cực cho hoạt động của đơn vị”, Tổng Biên tập Báo Bình Định Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Có thể nói, hiểu thấu đáo vấn đề và quyết tâm là “chìa khóa” dẫn đến thành công trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Minh Tuấn cho hay, khi chuẩn bị thực hiện Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, ban đầu cũng không ít ý kiến “bàn lùi”. “Thời gian đầu thực hiện có những lúng túng trong khâu phối hợp; song, đến nay đã đi vào quy củ, thể hiện ưu điểm nhiều mặt trên thực tế”, ông Tuấn khẳng định.
Quan trọng nhất là đảm bảo hiệu quả hoạt động
“Thông tin tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV cho thấy nhiều băn khoăn đã xuất hiện trong giai đoạn đầu thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng (VP) Ðoàn ÐBQH, HÐND và UBND cấp tỉnh thành một VP tham mưu, giúp việc chung. Vấn đề băn khoăn nhất nằm ở chỗ trước giờ VP UBND tỉnh có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh, mang tính thực thi, hành pháp; 2 VP còn lại thì tham mưu thực hiện việc giám sát việc thực thi pháp luật. Cần có khảo sát, đánh giá việc thực hiện thí điểm thật khách quan, thận trọng trước khi quyết định bước đi tiếp theo để đảm bảo hiệu quả hoạt động”.
Phó Trưởng đoàn ÐBQH tỉnh LÝ TIẾT HẠNH
Gỡ khó cho mô hình mới
Ðến nay, có 2 địa phương sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị vào Ban Tuyên giáo là TX An Nhơn và huyện Hoài Nhơn. Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hoài Nhơn Nguyễn Văn Phượng, qua gần 10 tháng sáp nhập, bộ máy đã hoạt động ổn định. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn của cấp trên về công tác đào tạo nên gặp một số khó khăn.
Vướng mắc chính đối với mô hình mới này là chưa có văn bản nào hướng dẫn về xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền ký, cấp giấy chứng nhận và các chế độ có liên quan trong việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Văn Bình, để khắc phục thì Trung ương cần sớm tổng kết Quyết định 185-QÐ/TW ngày 3.9.2008 của Ban Bí thư Trung ương (khóa X) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Từ đó, ban hành thống nhất các nội dung liên quan đến các hoạt động này ở cấp huyện.
VĂN TRANG - QUỲNH HOA - NGUYỄN PHÚC - NGUYỄN MUỘI