Nguồn gốc của “ba rem”
“Ba rem” là một từ khá quen thuộc trong tiếng Việt. Chúng ta thường gặp từ này trong những cách dùng như “cứ theo ba rem mà chấm”, “chấm điểm môn văn rất khó theo ba rem”. Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, Nxb Đà Nẵng, 2017) định nghĩa “ba rem” là “đáp án có kèm theo điểm cụ thể của từng phần, dùng làm căn cứ để chấm thi”.
Về nguồn gốc, hẳn ai cũng biết “ba rem” là một từ gốc Pháp, bắt nguồn từ từ “barème”, có nghĩa là “bảng tính sẵn”. Tuy nhiên, sẽ thú vị hơn nếu ta biết, “barème” vốn không phải là một danh từ chung trong tiếng Pháp.
“Barème” vốn là một danh từ riêng, là họ của một nhà toán học người Pháp, Francois Barrême (1635 - 1703), là người phát minh ra và nổi tiếng với các bảng tính tiền sẵn, tác giả của hai cuốn Sách bảng giá mà người ta có thể thấy những món tiền tính sẵn (1669) và Các bảng giá và món tiền tính sẵn trong đại thương nghiệp (1670). Như vậy, tên họ của một người đã được dùng để gọi tên cho một loại sự vật liên quan đến người đó. Điều này rất phổ biến trong lĩnh vực khoa học. Tên, họ của các nhà khoa học thường được dùng để đặt tên cho những định luật, đại lượng... mà họ phát minh, tìm ra. Trong ngôn ngữ, sự chuyển hóa từ danh từ riêng thành danh từ chung cũng là một hiện tượng phổ biến.
Không chỉ xuất hiện đối với các lớp từ gốc Hán, gốc Pháp (vốn chiếm tỷ lệ lớn trong bộ phận từ có nguồn gốc ngoại lai trong tiếng Việt), hiện tượng này còn được ghi nhận ở các lớp từ có nguồn gốc ngoại lai thiểu số khác. Chẳng hạn, trong lớp từ gốc Nhật, “hon đa” vốn là tên một thương hiệu xe máy nhưng vào tiếng Việt, có một thời khá dài nó trở thành danh từ chung tương đương với từ “xe máy”. Hoặc như, từ “ô sin” chỉ một lớp người, một loại nghề (người/nghề giúp việc nhà) trong tiếng Việt lại bắt nguồn từ tên gọi của “Ohsin”, nhân vật chính của bộ phim Nhật Bản cùng tên được khởi chiếu ở Việt Nam năm 1994.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ