Một số vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội (*)
Buổi sáng ngày 1.11, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2011-2015): Kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu KT-XH đến hết năm 2015. Dưới đây là ý kiến phát biểu của Phó Trưởng Ðoàn ÐBQH tỉnh Bình Ðịnh Nguyễn Thanh Thụy tại phiên thảo luận ở hội trường.
Củng cố lòng tin của nhân dân
Tôi cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ (CP) và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của QH. Nhìn lại một năm đầy khó khăn nhưng QH, CP đã có nhiều quyết sách chỉ đạo điều hành linh hoạt nên đã có hơn 2/3 chỉ tiêu đạt và vượt. Bên cạnh kết quả đạt được trong khó khăn chung, cũng dễ nhận thấy chất lượng cuộc sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là nông dân, những người sống ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, thu nhập bình quân của nhóm đối tượng này chỉ 200 USD/năm, thấp xa so với bình quân chung của cả nước là 1.600 USD/năm. Người dân bức xúc trong khi một bộ phận nhân dân phải cật lực lao động trang trải cho cuộc sống hàng ngày thì những khoản thất thoát, chiếm dụng ngân sách nhà nước lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Người dân chỉ dám dùng điện cho những bữa cơm chiều thì cũng phải gánh thêm tiền xây dựng biệt thự, sân tennis, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, cuộc sống thiếu an toàn đang gây tâm lý lo lắng trong xã hội.
Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều văn bản pháp luật và chủ trương, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng chưa khắc phục được những bất cập nêu trên. Người dân rất mong các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý xã hội với hệ thống chính sách pháp luật, bộ máy tương đối đầy đủ phải được phát huy hiệu quả và tốt hơn. Những hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm, kịp thời, trật tự an toàn xã hội thực sự được ổn định để củng cố lòng tin của nhân dân.
Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; nhiều chính sách đã, đang đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Cũng có chính sách ban hành không toàn diện, chưa bao phủ các đối tượng trong vùng, khu vực, chậm được điều chỉnh, bổ sung. Ví dụ chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, chính sách tín dụng cho nông nghiệp theo Nghị định 61, 41. Nhiều quy định còn bất cập về quản lý đất đai. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân tuy được đánh giá là lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển KT-XH của mỗi địa phương, của đất nước, là nơi giải quyết việc làm cho không chỉ lao động ở nông thôn mà cả những người thất nghiệp ở thành phố, nhưng sản xuất nông nghiệp (SXNN) vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đầu vào của SXNN cao, giá bán nông sản và giá trị SXNN thấp trong nhiều khâu từ sản xuất đến tiêu dùng, rất cần có sự can thiệp của Nhà nước nhưng chưa có biện pháp hiệu quả, gây thiệt thòi cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Thu nhập của người nông dân thấp, tình trạng nông dân ra thành phố kiếm sống ngày càng nhiều, tạo ra những bất ổn cho chính gia đình họ và cho nông thôn cũng như thành thị.
Tôi đề nghị khi triển khai các chương trình, các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực này các cơ quan chức năng cần theo dõi, đánh giá đề xuất điều chỉnh bổ sung kịp thời để những chính sách đó phát huy hiệu quả trong thực tế. Chính phủ cần có các giải pháp hữu hiệu hơn để tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp, nâng cao hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp. Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào SXNN. Quan tâm toàn diện đến các vùng miền trong cả nước.
Nhà nước cần đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng cho SXNN. Tôi đề nghị QH, CP tăng kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hồ chứa nước thủy lợi, bảo đảm phục vụ cho sản xuất, đời sống, an toàn cho các công trình và vùng hạ lưu khi có bão lụt. Hiện nay tỉnh Bình Định chỉ có 16,7% hồ chứa có thông số kỹ thuật đáp ứng được tiêu chuẩn.
Bố trí nguồn lực phù hợp XDNTM
Hiện nay cả nước đang triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng chỉ tiêu 20% số xã đạt 19 tiêu chí NTM khó hoàn thành do phân bổ nguồn lực chưa đạt yêu cầu, mới chỉ đáp ứng 20%, trong đó có nguyên nhân chúng ta chưa xác định XDNTM phải xuất phát từ nguồn lực tại chỗ là chủ yếu, mà cho rằng do ngân sách nhà nước hỗ trợ, nên khi xây dựng định mức, tiêu chí là khá cao, vì vậy khó đủ nguồn lực để thực hiện chương trình. Hiện nay một số bộ, ngành còn điều chỉnh tiêu chí cao hơn khi phê duyệt cho nên việc này rất khó thực hiện.
Tôi thống nhất với việc phát hành trái phiếu CP lần này có bố trí vốn XDNTM ở một số địa bàn khó khăn để thúc đẩy nhanh việc thực hiện chương trình, song cũng cần tập trung nguồn lực thông qua các chương trình, dự án có cùng mục tiêu đầu tư để huy động nguồn lực thực hiện chương trình, khắc phục tình trạng chồng chéo, giảm bớt đầu mối, phân tán nguồn lực. Đề nghị Ban chỉ đạo XDNTM Trung ương nghiên cứu tiếp tục điều chỉnh một số tiêu chí hướng đến hiệu quả phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH hiện nay, không nên quy định quá cứng nhắc như nhà văn hóa phải đủ diện tích, thôn, bản, ấp có nhà văn hóa và khu tập thể thao. Trong thực tế những quy định này không thực hiện được, hiệu quả sử dụng rất thấp, nên để dành nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm tại chỗ tăng thu nhập cho người dân.
Đề nghị bố trí vốn trái phiếu CP cho dự án nâng cấp quốc lộ 19
Về đẩy mạnh một trong ba khâu đột phá chiến lược, tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, tôi thống nhất với CP trình QH phát hành 170 ngàn tỉ đồng trái phiếu CP để đầu tư, nâng cấp mở rộng quốc lộ (QL) 1A và QL 14. Tôi đề nghị QH, CP quan tâm bổ sung dự án đầu tư nâng cấp QL 19 được bố trí nguồn vốn trái phiếu CP, vì đây là tuyến đường huyết mạch, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây, nối liền các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và là con đường ra biển gần nhất qua cảng biển Quy Nhơn. Đã gần 40 năm QL 19 không được đầu tư, bị xuống cấp, giao thông đi lại khó khăn, tai nạn thường xuyên xảy ra.
Vừa qua lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ tướng CP đã đồng ý hỗ trợ 70% kinh phí, nhưng từ năm 2012-2013, ngay cả kế hoạch năm 2014 công trình này cũng không được bố trí kinh phí. Hiện nhà thầu đã làm xong công tác giải phóng mặt bằng một số tuyến đang chờ kinh phí. Cử tri Bình Định tha thiết đề nghị QH, CP quan tâm bố trí nguồn vốn để xây dựng công trình nhằm phát huy những lợi thế tự nhiên vốn có của cảng biển nước sâu, tuy chưa được đầu tư nhưng hàng năm hàng hóa thông qua cảng đứng thứ 3 cả nước, tạo điều kiện cho sự phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng, trong đó có Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên, tăng cường giao thương quốc tế.
SỸ NGUYÊN (lược ghi)
(*) Tít bài và các tít con do Tòa soạn đặt.