Chiến dịch tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGÐ:
Chưa đạt cả lượng và chất
Năm 2013, ngoài 49 xã thuộc 10 huyện, thị xã nằm trong diện được hỗ trợ của Trung ương, các địa phương còn lại đã bố trí kinh phí để triển khai Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGÐ).
Ưu tiên địa bàn khó khăn
Từ 2 năm nay, việc Trung ương hỗ trợ kinh phí tổ chức chiến dịch tập trung chỉ thực hiện đối với các xã đặc biệt khó khăn và xã đông dân, có mức sinh cao, với 2 gói dịch vụ KHHGĐ và phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản. Tại Bình Định, trong 49 xã được hỗ trợ có 17 xã đặc biệt khó khăn và 32 xã đông dân, mức sinh cao; TP Quy Nhơn không có xã, phường nào nằm trong diện này.
Việc tăng cường dịch vụ chăm sóc SKSS tới người dân trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nâng cao chất lượng dân số. Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị xã phối hợp với Trung tâm Y tế xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch của từng xã, phân công nhân viên kỹ thuật, bố trí trang thiết bị hỗ trợ cho các xã.
Các chính sách hỗ trợ cho người thực hiện KHHGĐ cũng như người tham gia tuyên truyền vận động, cung cấp dịch vụ của Trung ương và các địa phương đã có tác động tích cực làm tăng số người chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại trong chiến dịch. Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho rằng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chuyên môn đã giúp cho chiến dịch diễn ra thuận lợi, không để xảy ra tình trạng thiếu cán bộ kỹ thuật.
Thống kê từ các Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thị xã cho thấy, kết quả hai đợt chiến dịch năm 2013 đã thực hiện cung cấp các biện pháp tránh thai lâm sàng cho 3.721 lượt trường hợp, đạt 53,4% kế hoạch năm. Với gói dịch vụ phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, chiến dịch đã thực hiện khám phụ khoa cho 13.397 lượt phụ nữ, đạt 92,4% kế hoạch. “Việc tập trung các hoạt động đưa dịch vụ chăm sóc SKSS vào những vùng trọng điểm khó khăn, vùng có mức sinh cao để người dân được hưởng dịch vụ chăm sóc này một cách tốt nhất”, ông Quang cho biết.
Để đạt cả lượng và chất
2 năm qua, TP Quy Nhơn là địa bàn duy nhất không nằm trong diện được Trung ương hỗ trợ kinh phí để triển khai chiến dịch tập trung. Quy Nhơn chỉ có 9 xã, phường được chọn để triển khai Đề án dân số biển là Nhơn Châu, Đống Đa, Ghềnh Ráng, Hải Cảng, Thị Nại, Trần Phú, Nhơn Lý, Nhơn Hải và Nhơn Hội. Vì thế, thành phố quyết định duy trì tổ chức chiến dịch 2 lần/năm vào tháng 6-7 và 8-9, mục tiêu đạt ít nhất 75% tổng số phương tiện tránh thai được giao, còn lại là dịch vụ thường xuyên.
“Chúng tôi tận dụng nguồn kinh phí tuyên truyền trong chương trình mục tiêu quốc gia về DS, kết hợp với nguồn hỗ trợ từ địa phương, nơi nhiều được vài triệu đồng, chỗ ít cũng được 500 ngàn đồng để hỗ trợ dịch vụ. Việc tổ chức các đợt chiến dịch là để nhấn mạnh vào những đối tượng khó tiếp cận với dịch vụ, những người có nguy cơ sinh nhiều con, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong chăm sóc sức khỏe người dân. Việc xã hội hóa dịch vụ chăm sóc SKSS cũng được làm từng bước, trước mắt là đẩy mạnh tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai”, ông Nguyễn Anh Văn, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn, cho biết.
Trong khi đó, vấn đề đặt ra đối với 49 xã nằm trong diện triển khai chiến dịch tập trung là kết quả chưa đạt như mong muốn. Trong đó, vấn đề chất lượng các dịch vụ lồng ghép qua chiến dịch chưa cao khiến người dân chưa “hít” với chương trình này. Qua tìm hiểu, hầu hết chị em đến tham gia chiến dịch đều được khám phụ khoa nhưng chủ yếu là thăm khám đơn giản chứ chưa có phương tiện hiện đại hỗ trợ, do đó việc phát hiện bệnh hạn chế.
Kết quả thực hiện 2 đợt chiến dịch năm 2013, huyện Vĩnh Thạnh không đạt các chỉ tiêu về gói dịch vụ KHHGĐ (cụ thể ở chỉ tiêu biện pháp triệt sản không thực hiện được ca nào, biện pháp thuốc tiêm tránh thai đạt thấp nhất với 8,4%). Ông Nguyễn Thanh Cam, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vĩnh Thạnh, cho rằng những năm trước, biện pháp triệt sản địa phương làm khá nhiều, nhưng sau đó tâm lý sợ tai biến khiến người dân không muốn thực hiện. Còn phương pháp dùng thuốc thì đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn “e dè”. Người dân lại chưa tin lắm vào phần tư vấn của nhân viên ở trạm y tế.
Ông Nguyễn Văn Quang nhấn mạnh, phong tục tập quán và nghề nghiệp còn ảnh hưởng nặng nề đến tư tưởng, hành vi của các cặp vợ chồng khiến công tác vận động đối tượng chấp nhận thực hiện KHHGĐ gặp nhiều khó khăn. Việc vận động đối tượng thực hiện triệt sản ngày càng khó. Trong khi đó, kỹ năng tư vấn của một số nhân viên y tế thôn, cộng tác viên dân số còn nhiều hạn chế, chưa có sự tác động mạnh mẽ để thay đổi hành vi của đối tượng. Vì thế, cùng lúc phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, cùng sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành địa phương.
NGỌC TRÂM