Giữ chữ tín & chia sẻ lợi ích
Sau 5 năm thực hiện, Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương (CNĐD) theo chuỗi” do Bộ NN&PTNT triển khai tại Bình Định đã đạt nhiều kết quả tích cực. Điểm nổi trội là với công nghệ mới, ngư dân khai thác, bảo quản CNĐD tốt hơn, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tàu khai thác cá ngừ đại dương của ngư dân Hoài Nhơn cập cảng cá Quy Nhơn bán sản phẩm.
Đánh bắt theo kiểu cũ, ngư dân chỉ tập trung vào sản lượng, còn chất lượng thì chưa bảo đảm. Để có sản phẩm tốt, tiết kiệm tài nguyên, ngư dân phải ứng dụng công nghệ mới và buộc phải đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc đánh bắt, bảo quản theo quy trình để nâng chất lượng sản phẩm. Điều oái oăm là hiện nay giá CNĐD kiểu cũ hay kiểu mới gì cũng ngang nhau theo kiểu “cân xô đổ đồng”.
Giá CNĐD tăng hay giảm đều do thị trường điều chỉnh, do đó cũng không thể đổ lỗi hết cho DN, đại lý gom mua. Hơn nữa, trong chuyện này chính ngư dân cũng không phải là vô can. Khi tham gia chuỗi liên kết, ngư dân và DN đã thống nhất nhiều điều khoản quan trọng; việc tôn trọng hợp đồng, thỏa thuận là cơ sở then chốt để tạo nên mối quan hệ bền vững, các bên tham gia đều tìm thấy phần lợi ích của mình. Thế nhưng, khá nhiều chủ tàu khi thấy giá cá ở thị trường bên ngoài nhiều hơn so DN mà mình đã ký hợp đồng, bèn bán ra bên ngoài chuỗi liên kết.
Tại hội nghị đánh giá 5 năm (2014 - 2019) thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ CNĐD theo chuỗi” do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh tổ chức vào đầu tháng 6.2019, đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ NN&PTNT cùng Sở NN&PTNT, DN, ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cũng đã nêu lên thực trạng “mua xô” CNĐD khiến ngư dân không muốn đầu tư tham gia chuỗi. Đáng chú ý là hiện tượng nhiều ngư dân chạy theo sản lượng, không chú trọng vào chất lượng, giá trị sản phẩm gây lãng phí tài nguyên, tổn hại nguồn lợi chung. Câu chuyện DN mua gom, chế biến, xuất khẩu chưa chia sẻ đúng phần lợi ích ngư dân đáng được hưởng khi giá trị kinh tế CNĐD tăng cao, cũng được đặt ra tại hội nghị này.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quang Hùng, cho rằng: “Để đề án được triển khai có hiệu quả, ngành Thủy sản, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân và DN tham gia chuỗi liên kết; thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm CNĐD, hỗ trợ các bên tham gia chuỗi liên kết minh bạch thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất... Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngư dân và DN tham gia chuỗi liên kết đảm bảo tính bền vững, nâng cao giá trị kinh tế, chất lượng sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường quốc tế”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN