KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21.6.1925 - 21.6.2019):
Giữ cho “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”
Ðạo đức nghề báo được ví như chiếc la bàn trong sự nghiệp làm báo. Ðể không lạc lối, mỗi nhà báo phải luôn tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân.
Thời gian qua, bên cạnh phần lớn nhà báo có lương tâm và trách nhiệm với nghề thì một bộ phận người làm báo lợi dụng uy tín nghề nghiệp để thực hiện các hành vi sai phạm như tống tiền DN, người dân, đứng về phía lợi ích nhóm để thông tin sai lệch. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, nhiều nhà báo vô tình biến mình thành nhà báo salon, lười đào sâu, tìm kiếm đề tài. Một bộ phận khác lại chạy theo các thông tin tiêu cực, lệch chuẩn, trái với thuần phong mỹ tục nhằm “câu view”, tạo ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Một bộ phận nhà báo sử dụng mạng xã hội như một tờ báo cá nhân, thể hiện các quan điểm thiếu tính xây dựng, suy diễn chủ quan đối với các vấn đề lớn của đất nước, địa phương... Các vụ việc này chưa nhiều nhưng đã tác động tiêu cực đến cái nhìn của xã hội đối với báo chí.
Phóng viên các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ “Kỹ năng truyền thông qua mạng xã hội”, do Hội Nhà báo tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại TP Quy Nhơn vào tháng 3.2019.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Năng lực phản biện và sức ảnh hưởng to lớn của báo chí đối với nhận thức của cộng đồng đã tạo cho báo chí danh xưng “quyền lực thứ tư”. Nhưng quyền lực thực sự phải được tạo nên từ bản lĩnh, năng lực và đạo đức; nếu không sẽ trở thành thứ “quyền lực đen”, gây tổn hại đến giá trị bản thân, làm méo mó cái nhìn của xã hội về nghề báo.
Để không sa ngã, không đánh mất cái tâm trong sáng với nghề, mỗi người làm báo cần phải tự ý thức, rèn giũa bản thân, coi đạo đức của nghề là điều thiêng liêng. Bên cạnh đó, cần tự trau dồi bản lĩnh chính trị và kiến thức về mọi mặt để mỗi sản phẩm luôn đảm bảo các tiêu chí chính xác, trung thực, khách quan, nhân văn. Vị trí của mỗi nhà báo là do xã hội công nhận. Bạn đọc, khán - thính giả luôn có đủ khả năng, công cụ để nhận diện đâu là nhà báo có trách nhiệm, lương tâm.
Sự tham gia của cơ quan quản lý, lãnh đạo các cơ quan báo chí có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng, ngăn chặn các biểu hiện, hành vi suy thoái của nhà báo. Trao đổi về vấn đề này, nhà báo Đỗ Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh, cho biết: “Hội Nhà báo tỉnh thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, sinh hoạt chuyên môn nghiệp vụ của các chi hội để phổ biến các quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cho đội ngũ người làm báo trên địa bàn tỉnh. Từ các quy định này, các phóng viên, người công tác ở cơ quan báo chí điều chỉnh những hành vi, việc làm còn lệch chuẩn. Với vai trò, vị thế của mình, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục vận động anh, chị em hội viên thực hiện nghiêm túc những quy định về nghề nghiệp, đồng thời xử lý những hành vi vi phạm đạo đức nghề báo”.
Tổng Biên tập Báo Bình Định Trần Thanh Hải cũng cho rằng: “Lãnh đạo cơ quan báo chí cần khơi dậy ngọn lửa của lương tâm, trách nhiệm xã hội của người cầm bút. Đồng thời, cần tạo điều kiện bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ phóng viên, nhà báo tại đơn vị; thường xuyên tổ chức trao đổi về nghiệp vụ, phổ biến các quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”.
Hội viên Hội Nhà báo và Hội VHNT tỉnh giao lưu với đồng bào xã An Toàn, huyện An Lão.
Ở tuyến huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng tinh thần, trách nhiệm xã hội cho đội ngũ phóng viên, người làm công tác thông tin. Ông Đoàn Văn Chư, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn, trao đổi: “Đơn vị chúng tôi đã gắn đạo đức người làm báo với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Mỗi năm, mỗi cán bộ, phóng viên đăng ký tham gia hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ, trong đó có tiêu chí về đạo đức. Năm 2018, khi còn là Đài Truyền thanh thị xã, cơ quan xây dựng mô hình “3 nhất” với 3 nội dung gắn với đạo đức nghề báo: Nhanh nhất, kịp thời nhất, chính xác nhất. Năm 2019, khi đã hợp nhất với Trung tâm VH&TT thị xã, chúng tôi có mô hình “3 đạt”, gồm: đạt năng suất, đạt chất lượng, đạt hiệu quả, để tất cả cán bộ, nhân viên Trung tâm, trong đó có lực lượng phóng viên cùng rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện đúng các quy tắc nghề nghiệp”.
NGUYỄN MUỘI