Vĩnh Thạnh: Ðổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Hôm nay (21.6), Ðại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Vĩnh Thạnh lần thứ III sẽ diễn ra với chủ đề “Ðoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”. Ðại hội là dịp đánh giá lại hiệu quả các chính sách dân tộc trong 5 năm qua và tôn vinh những điển hình tiêu biểu người dân tộc thiểu số.
Hơn một năm nay, gia đình chị Đinh Thị Luận ở làng Kon Blo, xã Vĩnh Sơn, đã thoát khỏi diện hộ nghèo. Không trông chờ, ỷ lại vào chính sách trợ cấp hộ nghèo của Nhà nước, vợ chồng chị bỏ công khai hoang vỡ hóa, vừa trồng rừng vừa trồng các loại cây cho thu hoạch hàng năm. Từ chỗ là hộ nghèo, đến nay gia đình chị Luận có thu nhập ổn định hàng năm 60 triệu đồng từ 2 ha cây mì, bời lời và đót, chưa kể gần 1 ha keo khai thác chu kỳ 5 năm/lần. Chị Luận chia sẻ: “Vợ chồng động viên nhau, còn trẻ thì cố gắng làm ăn để nuôi con cái ăn học. Thoát được hộ nghèo, vợ chồng mình mừng lắm”.
Đồng bào Bana huyện Vĩnh Thạnh đã biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa lai cho năng suất cao.
Trong 5 năm 2014 - 2019, huyện Vĩnh Thạnh đã đầu tư 494 tỷ đồng thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có 243 công trình hạ tầng được xây dựng. Các hộ nghèo được hỗ trợ cây, con giống và vật tư sản xuất... Đặc biệt, đến nay đã có 278 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ xây dựng nhà ở.
Ông Đinh Nhé, phó làng Kon Blo, cho biết: “Các chính sách hỗ trợ của Đảng và nhà nước được chúng tôi tiếp nhận và hỗ trợ đúng địa chỉ. Vì vậy các hộ nghèo có điều kiện đầu tư sản xuất, nâng cao đời sống. Mỗi năm, làng Kon Blo có 4 - 5 hộ thoát nghèo bền vững”.
Bà con các dân tộc thiểu số ở huyện Vĩnh Thạnh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, mạnh dạn ứng dụng KHKT vào sản xuất các loại cây, con có giá trị kinh tế cao như chăn nuôi bò lai, trồng các loại đậu cao sản, rau an toàn. Mô hình kinh tế trang trại vườn đồi, chăn nuôi hiệu quả cao xuất hiện ngày càng nhiều ở các xã miền núi, vùng cao trong huyện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 58,6%, dự kiến đến cuối năm 2019 giảm còn dưới 40%. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%, có điện sinh hoạt đạt 99%. Ông Đinh Bôi, ở làng Tà Lét, xã Vĩnh Hiệp, bộc bạch: “Được Đảng và Nhà nước chăm lo, làng Tà Lét đã có trường học, có nhà văn hóa, có đường bê tông đến khu sản xuất. Con trẻ trong làng được đi học, người già được chăm sóc sức khỏe. Cuộc sống bây giờ sướng rồi”.
Văn hóa cồng chiêng được đồng bào các dân tộc huyện Vĩnh Thạnh giữ gìn và phát huy.
Ông Đinh Văn Thảo, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện, cho biết: “Huyện ưu tiên cho các dự án phục vụ, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất, phục vụ an sinh xã hội như: thủy lợi, giao thông, nước sạch, văn hóa xã hội... Đồng thời, tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng các chính sách hỗ trợ có điều kiện và tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, khuyến khích người nghèo chủ động, tích cực vươn lên”.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội cũng được huyện Vĩnh Thạnh thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường được duy trì ở mức cao. Công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, 100% đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh miễn phí.
Ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Với các chính sách của Đảng và Nhà nước, huyện Vĩnh Thạnh đã hỗ trợ trực tiếp các xã, thôn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vùng đặc biệt khó khăn và vùng sản xuất hàng hóa… Ngoài việc đầu tư cho phát triển KT-XH, giảm nghèo, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, tiến bộ xã hội cũng được vận động thực hiện ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ đó, nhiều hủ tục lạc hậu trong đời sống xã hội của bà con như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh đẻ nhiều, ốm đau không đến cơ sở y tế… đã dần được xóa bỏ. Các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc được giữ gìn, phát huy”.
XUÂN DŨNG