Sáp nhập, hợp nhất cơ sở y tế: Giảm đầu mối, nâng chất lượng
Tiên phong và quyết liệt trong sắp xếp, hợp nhất các cơ sở y tế và đơn vị trực thuộc, ngành Y tế đã tạo thuận lợi trong thực hiện khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.
Đến đầu năm 2019, Sở Y tế đã hoàn tất sáp nhập 11 trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tuyến huyện vào TTYT huyện; hợp nhất 5 trung tâm hệ dự phòng tuyến tỉnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; hợp nhất Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Phục hồi chức năng thành lập Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng; sáp nhập BVĐK khu vực Phú Phong, TTYT dự phòng và Dân số - Kế hoạch hóa huyện thành TTYT huyện Tây Sơn.
Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh thu hút đông bệnh nhân sau hợp nhất.
Tránh chồng chéo, huy động tối đa nhân lực
Chiều 20.6, tất cả giường bệnh các khoa điều trị nội trú Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh kín bệnh nhân. Riêng khoa Châm cứu - Dưỡng sinh và Phục hồi chức năng, bệnh nhân phải chờ đến lượt được điều trị châm cứu, xoa bóp bấm huyệt và tập vật lý trị liệu. 2 tháng nay, đều đặn hàng tuần bệnh nhân Lê Thị Ngọc Anh (59 tuổi, TX An Nhơn) đến bệnh viện để châm cứu và tập vật lý trị liệu sau tai biến. “Điều trị thuốc, châm cứu bệnh ổn định, rồi tập vật lý trị liệu mà không phải mất công đi nhiều nơi, rất tiện cho bệnh nhân”, bà Anh chia sẻ.
Kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc
Trong tháng 6, kiểm tra tình hình hoạt động sau hợp nhất, sáp nhập của các cơ sở trực thuộc Sở Y tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đặc biệt lưu ý thời gian tới, Sở Y tế và các đơn vị phải chú trọng xây dựng tập thể cán bộ lãnh đạo, nhân viên thật sự đoàn kết. Ðặc biệt, quan tâm sâu sát tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân viên; rà soát những khó khăn, vướng mắc để giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu công việc. Song song đó, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Bác sĩ Đỗ Trí Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh, cho biết: Hợp nhất 2 bệnh viện đã phát huy được thế mạnh vượt trội của y học cổ truyền và phục hồi chức năng, hiệu quả điều trị cho bệnh nhân cũng theo đó tăng lên. Tình trạng quá tải bệnh nhân luôn thường trực khi cơ sở 1 (TP Quy Nhơn) có 230 - 240 bệnh nhân/180 giường bệnh, ở cơ sở 2 (huyện Phù Cát) cũng phải kê thêm từ 40 lên 70 giường bệnh mới đủ đáp ứng; công suất sử dụng giường luôn vượt 100%. Đến với hệ y học cổ truyền hiện nay đa số là các bệnh nhân bị liệt do di chứng về thần kinh, tai biến, những bệnh này khi kết hợp y học cổ truyền và phục hồi chức năng hiệu quả điều trị sẽ tăng cao hơn. Với mô hình mới, chúng tôi có cơ sở để phát triển mạnh và đều cả hai lĩnh vực này. Với 39 bác sĩ và đội ngũ y sĩ hiện có, ngoài việc huy động lực lượng điều trị bệnh, chúng tôi đang có kế hoạch phát triển dịch vụ thủy trị liệu, xoa bóp bấm huyệt, đào tạo triển khai phẫu thuật ngoại trĩ.
Đầu năm 2019, thời điểm sáp nhập để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trùng thời điểm bùng phát dịch sốt xuất huyết, tiêm vắc-xin ComBeFive và các chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi-rubella, bại liệt vùng nguy cơ cao... Tuy nhiên, ThS Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, việc sắp xếp hợp nhất trung tâm tạo thuận lợi một đầu mối triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn. “Ngay như việc chi viện địa phương phòng, chống dịch sốt xuất huyết, chúng tôi huy động nhân lực cả khoa Bệnh truyền nhiễm phối hợp với khoa Ký sinh trùng - Côn trùng một cách thuận lợi để triển khai các phần việc điều tra, giám sát côn trùng, theo dõi diễn biến bệnh, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch và xử lý dịch”, ông Lân dẫn chứng.
Trong khi đó, sáp nhập mô hình TTYT huyện đa năng, bác sĩ Dương Văn Hóa, Phụ trách TTYT huyện Tây Sơn khẳng định, sau hợp nhất lãnh đạo Trung tâm hoàn toàn chủ động nhân lực khi cần thiết phải ưu tiên cho khám, chữa bệnh hoặc công tác dự phòng ở những thời điểm nhất định. Đặc biệt, giảm đầu mối, khoa, phòng và thống nhất sự điều hành, chỉ đạo tuyến, quản lý đồng bộ, thông suốt, tránh chồng chéo từ huyện đến xã.
Công tác y tế dự phòng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thuận lợi hơn.
Ưu tiên chất lượng điều trị và dự phòng
Bước đầu việc sắp xếp, hợp nhất các cơ sở trong ngành Y tế đáp ứng mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng chất hoạt động khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Dương Văn Hóa, còn không ít khó khăn đặt ra của mô hình khi một đơn vị nhưng hoạt động với nhiều cơ chế riêng biệt: Khối điều trị, khối dự phòng, khối dân số, khối y tế xã.
Việc giải quyết bài toán bố trí việc làm phù hợp, những chệch choạc trong việc lập kế hoạch, tư tưởng của một số bộ phận, nhân viên y tế vẫn chưa thể “một sớm, một chiều” giải quyết xong. Hay như Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh vẫn chưa đảm bảo về một đầu mối cơ sở hoạt động...
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho hay, đối với vấn đề cơ sở vật chất và cơ chế tài chính, Sở sẽ báo cáo, xin ý kiến, chủ trương của tỉnh và kiến nghị đối với Bộ Y tế. Trong năm 2019, Sở tiếp tục rà soát hiệu quả hoạt động của 5 phòng khám đa khoa khu vực để tiếp tục thực hiện sắp xếp; còn việc thành lập Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm và Trang thiết bị y tế phải chờ Bộ Y tế có thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể. “Bên cạnh những thuận lợi, chúng tôi cũng nhận diện những khó khăn, thách thức để cùng tuyến cơ sở tháo gỡ. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng mô hình y tế tinh gọn, đa chức năng phù hợp và hiệu quả nhất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác y tế trên địa bàn tỉnh”, ông Hùng nhấn mạnh.
MAI HOÀNG