Chuyện dài bảo hiểm tàu cá
Theo Nghị định 67, khi mua bảo hiểm cho tàu cá khai thác xa bờ, ngư dân sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 90% chi phí, khi gặp rủi ro chủ tàu sẽ được bồi thường giá trị của thân tàu lẫn ngư lưới cụ và trang thiết bị phục vụ khai thác hải sản. Sau đó, chính sách mới áp dụng theo Nghị định 17, ngư dân chỉ còn được hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm. Phạm vi bảo hiểm chỉ áp dụng cho thân tàu, không còn bao gồm các trang thiết bị, ngư lưới cụ như trước. Cho rằng như thế là… bèo, nhiều chủ tàu không muốn mua bảo hiểm nữa.
Người không muốn thì vậy, nhưng muốn mua cũng không phải dễ. Ngư dân Lê Văn Chiều, ở xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn), chủ tàu vỏ thép BĐ 99786 TS, kể: “Năm nào tôi cũng mua bảo hiểm tàu cá, riêng năm nay đến mua thì công ty bảo hiểm không bán, họ nói bán bảo hiểm tàu cá toàn lỗ. Nếu muốn mua bảo hiểm quá thì phải vầy nè, chiếc tàu vỏ thép trị giá 18 tỷ đồng, họ chỉ đồng ý mức bảo hiểm 4,9 tỷ đồng. Ép nhau như thế thì kẹt cho ngư dân quá!”.
Còn ngư dân Nguyễn Văn Thảnh, ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), chủ tàu cá BĐ 97052 TS, cho rằng: “Ngư lưới cụ, máy định vị, máy dò cá, máy định dạng, thiết bị liên lạc... có giá trị rất lớn, hàng tỷ đồng chứ ít đâu. Tàu cá xa bờ nào mà không có lưới, không có các thiết bị vừa kể chứ? Vậy mà họ chỉ tính riêng thân tàu. Có khi nào bên bán bảo hiểm cho xe khách chỉ bán cho thân xe chứ không bán cho ghế ngồi, máy lạnh trên xe không? Cho nên cách bán bảo hiểm như thế khiến ngư dân bị thiệt thòi ngay từ khi chưa ra khơi chứ đừng nói chi xa bờ!”.
Theo ông Nguyễn Hướng Nam, Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định, tất cả những gì DN làm đều đúng theo các quy định về chính sách bảo hiểm Nhà nước đã ban hành. Và chuyện DN không muốn tham gia bán bảo hiểm tàu cá cũng có lý do, bởi đây là lĩnh vực nhiều rủi ro, chi phí xác định, đánh giá tổn thất... đều do DN kinh doanh bảo hiểm chịu, dẫn đến kinh doanh bảo hiểm bị lỗ. Về lâu dài, Nhà nước nên xem xét tăng mức hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân, nâng mức phí bảo hiểm thì DN mới đủ sức tham gia.
Bảo hiểm tàu cá, ngư lưới cụ, thuyền viên được xem là “phao cứu sinh” của ngư dân khi chẳng may gặp rủi ro. Thế nhưng do “độ vênh” quá lớn, ngư dân thì không mặn mà còn các DN kinh doanh bảo hiểm thì cũng chẳng lấy đó làm buồn vì lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Muốn ngư dân vươn khơi sản xuất, vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa tham gia bảo vệ chủ quyền đất nước, có lẽ những khúc mắc kiểu này nên sớm được giải quyết. Nghề cá đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, nếu không có bảo hiểm, một khi xảy ra rủi ro, ngư dân sẽ khó gượng dậy.
BẢO MINH