Kính thuốc - không phải mua ở đâu cũng đúng
Ở tỉnh ta, nhiều cửa hàng chỉ đăng ký kinh doanh kính thời trang, nhưng đã tự ý kinh doanh kính thuốc, khiến nhiều người rơi vào cảnh... “tiền mất, tật mang”.
Bệnh nhân khám khúc xạ tại Bệnh viện Mắt Bình Định.
Trong vai người đi kiểm tra thị lực, tôi ghé vào tiệm bán kính trên đường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn dán chữ to “Cắt kính theo đơn bác sĩ”. Tôi trình bày việc chưa kịp đi khám bác sĩ, chủ cửa hàng kính vội xua tay: “Chị yên tâm, cửa tiệm tôi có 18 năm trong nghề. Máy móc cửa hàng đều hiện đại, có cái kính đeo mắt thôi mà, cần gì phải có đơn bác sĩ chứ”.
Đo bằng máy xong, thấy tôi tỏ vẻ nghi ngại, người đo bèn mượn chiếc kính tôi đang đeo, đem vào đo trong máy đo kính, đoạn tư vấn: Xong rồi đấy, giờ chỉ cần lựa gọng kính tốt, đẹp hợp với khuôn mặt thôi. Tròng kính thuốc có giá 100 nghìn đồng/cặp loại thường; 120 - 180 nghìn đồng loại chống tia UV và trên 240 nghìn đồng/cặp loại đổi màu. Sau khi đi 3 - 4 cửa hàng kính khác trên đường Lê Hồng Phong, Phan Bội Châu (TP Quy Nhơn), cách phục vụ, tư vấn và kiểm tra khúc xạ đều y một kiểu như vậy.
Theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi, tại TP Quy Nhơn có gần 30 cửa hàng bán kính mát và kính thuốc. Hầu hết, các cửa hàng đều tự trang bị máy đo khúc xạ đo cận, viễn, loạn và cắt kính cho khách. Ông Lê Cảnh Sơn, Chánh Thanh tra Sở Y tế, cho biết: “Điều kiện hoạt động của cơ sở dịch vụ kính thuốc (Điều 33 nghị định 155/2018/NĐ- CP ngày 12.11.2018) quy định: có địa điểm cố định, diện tích tối thiểu 15 m2; có đủ trang thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở; người chịu trách nhiệm về chuyên môn, kỹ thuật là người tốt nghiệp trung cấp y trở lên, có chứng chỉ hành nghề và có chứng chỉ đào tạo về chuyên khoa mắt hoặc đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt”.
Đến nay, Sở Y tế chỉ cấp phép cho 11 cơ sở hoạt động trong toàn tỉnh gồm: Bệnh viện Mắt Bình Định; các TTYT huyện Phù Cát, Hoài Ân, Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn, TX An Nhơn; dịch vụ kính thuốc 226 Phan Đình Phùng, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn và 4 cửa hàng tại TP Quy Nhơn (kính Kim Thịnh đường Lê Hồng Phong, cửa hàng 150 Nguyễn Thái Học, 310 Phan Bội Châu và dịch vụ kính thuốc Quốc ở đường Hùng Vương). Như vậy có thể hiểu, các cửa hiệu còn lại chưa đủ tiêu chuẩn để có thể cung cấp kính thuốc cho khách hàng.
Theo ThS Nguyễn Hồ Kim, Trưởng Khoa Điều dưỡng, Bệnh viện Mắt Bình Định, kết quả của máy đo khúc xạ tự động chỉ là tham khảo xem có mắc tật khúc xạ hay không và cần thiết phải được bác sĩ chuyên khoa mắt, các khúc xạ viên khám, đánh giá thị lực và chỉnh kính trên thực tế của mỗi người. Có nhiều trường hợp bạn mất ngủ, mệt mỏi, stress khiến nhức đầu, mắt mờ. Với người lớn chỉ cần sau 1 đêm mất ngủ hoặc trẻ em có tư thế ngồi đọc, xem sai mắt mờ, đo bằng máy khúc xạ cũng bị bệnh từ 1-2 độ giả. Nếu đi khám tại Bệnh viện Mắt, bệnh nhân được nhỏ thuốc, khám thị lực, soi bóng đồng tử, đo khúc xạ điện tử. Sau đó, tùy độ tuổi như trẻ em thì khám lại quy trình trên lần 2; người lớn trên 40 tuổi thì thử và điều chỉnh độ kính xa, gần đọc chữ, đi lại trong vòng 15 phút… Những người có bệnh khúc xạ tái khám 6 tháng/lần, có trường hợp 1 tháng, 2 tháng tùy thể bệnh.
Sau khi có số đo đúng, cần làm kính bảo đảm chính xác với toa kính đã được chỉ định. Theo ThS Nguyễn Hồ Kim, những loại kính không đảm bảo chất lượng có thể sẽ cản lại ánh sáng, làm giảm lượng ánh sáng vào mắt, gây nên những rối loạn thị giác như giảm thị lực, nhìn thấy quầng bao quanh các nguồn sáng. Bệnh viện đã phát hiện rất nhiều trường hợp tăng độ nhanh, mờ mắt, tổn thương võng mạc và đục thủy tinh thể vì đeo kính không đúng độ, đúng chuẩn chất lượng. Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng, không vì sự tiện ích mà khám, đo mắt đeo kính không đúng, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho đôi mắt.
HẢI YẾN