Giữ câu hát đối quê mình
Những câu hát đối in đậm trong ký ức tuổi thơ khiến thầy giáo Võ Văn Thời (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn) trăn trở khi thấy loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian này ngày càng mai một và đứng trước nguy cơ mất đi. Nhiều năm qua, thầy Thời đã dành tâm huyết thực hiện việc sưu tầm, nghiên cứu để bảo tồn nghệ thuật hát đối quê mình.
Thầy Thời đến nhà một cụ cao tuổi ở địa phương để sưu tầm hát đối.
Thầy giáo Võ Văn Thời sống tại thôn Gia An, xã Hoài Châu Bắc. Thuở nhỏ, cậu bé Thời thường xuyên được nghe ông bà hát đối đáp, rồi chứng kiến những người dân quê hát hò hằng đêm bên chòi mía để quên đi những mệt nhọc trong lao động. Sau này, trở thành giáo viên dạy Văn tại Trường THCS Hoài Châu, thầy Thời dành nhiều thời gian tìm hiểu thêm về hát đối đáp.
1. Thầy Thời tâm sự: “Hát đối là “cây đàn muôn điệu” trong đời sống tinh thần của quần chúng lao động, là tiếng nói của bao con tim muốn gửi gắm đến bạn tình, tiếng nhạc lòng làm cho bao người phải thổn thức… Chính ông bà nội tôi cũng từ mê hát đối mà gặp gỡ, rồi bén duyên nên nghĩa phu thê. Hát đối vì thế có vị trí trang trọng trong ký ức đẹp đẽ một thời tuổi thơ tôi”.
Trước tình trạng hát đối ngày càng mai một và có nguy cơ bị mất đi, thầy Thời suy nghĩ mình phải có “kế hoạch” bảo tồn. Từ năm 2009, được sự ủng hộ của UBND xã Hoài Châu Bắc, thầy Thời đã tiến hành sưu tầm hát đối đáp ở địa phương. Ròng rã một năm trời, thầy gặp gỡ vận động người dân, cán bộ trong xã cùng sưu tầm hát đối, đồng thời cho học sinh về nhà sưu tầm, tìm hiểu thông tin người thân, hàng xóm có hiểu biết về hát đối. Riêng ông bỏ nhiều thời gian tìm đến những người cao tuổi ở địa phương để trò chuyện, tìm kiếm những tư liệu về hát đối.
Thời gian đầu, nhiều người dân cũng có vẻ nghi ngờ, không hiểu công việc thầy Thời đang làm. Thầy Thời không phiền lòng mà vẫn kiên trì động viên, phân tích để người dân tích cực cộng tác. Cụ Lê Hòa, một người giỏi hát đối ở xã Hoài Châu Bắc, tâm sự: “Đã nhiều năm không hát đối, nay già yếu rồi đâu còn hơi hám nên chẳng muốn hát nữa. Vậy mà, tâm huyết của thầy giáo Thời đã “kích thích”, khiến tôi lại hăng say hát không biết mệt”.
“Hát đối là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc nhưng đã bị mai một nhiều. Thật đáng trân trọng khi người có chuyên môn, tâm huyết như thầy Thời bỏ công sức vận động mọi người cùng thực hiện công tác bảo tồn hát đối. Sau khi thầy Thời hoàn thành và báo cáo kết quả đề tài sưu tầm, chúng tôi sẽ đề xuất với lãnh đạo UBND xã có những hoạt động cụ thể nhằm phát huy giá trị đề tài trong thực tế ở địa phương”.
Ông NGUYỄN VĂN RỨA, cán bộ văn hóa xã Hoài Châu Bắc
2. Từ tư liệu sưu tầm được qua nhiều nguồn, thầy Võ Văn Thời lại tiếp tục dành thời gian nghiên cứu, so sánh để chọn lọc những câu hát đối đặc sắc, thể hiện được nét đặc trưng của địa phương mình. Thầy Thời cho biết: “Hiện tại, tôi đã làm xong bài trình chiếu trên màn hình, cùng bài viết sưu tầm được gần 40 trang. Vừa rồi, khi xem tôi trình chiếu những nội dung sưu tầm hát đối, các cụ cao tuổi trong xã rất thích và hứa sẽ tiếp tục ủng hộ nhiệt tình hơn nữa. Có cụ xem xong đã xúc động ngồi hát lại câu hát đối tâm tình thời trai trẻ: “Hôm qua tát nước Ao Sơn. Thấy em áo vá lơn tơn bên chồng. Ước gì em vẫn còn không. Cùng anh tát nước trên đồng Gia An”. Điều này đã thêm động lực để tôi tiếp tục sưu tầm, bổ sung hoàn thiện đề tài hát đối báo cáo lãnh đạo UBND xã Hoài Châu Bắc trong thời gian tới”.
Thầy Thời cũng chia sẻ việc sưu tầm hát đối là để giáo dục cho con cháu tự hào về truyền thống văn hóa, văn nghệ của cha ông mình. Thầy sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã cùng tiếp tục chung tay sưu tầm, sáng tác. Qua đó, có được nguồn tư liệu phong phú về hát đối để giữ gìn cho các thế hệ mai sau. “Một trong những cách bảo tồn hát đối tốt nhất là đưa vào giảng dạy cho học sinh ở địa phương. Bởi hát đối mang đậm chất ca dao, dân ca vùng miền, giúp các em dễ nhớ, dễ thuộc. Sau khi hoàn thành đề tài sưu tầm, tôi sẽ cho ứng dụng vào việc giảng dạy trong các tiết văn học địa phương nằm trong chương trình Ngữ văn bậc trung học, gắn với việc tổ chức cho học sinh các buổi ngoại khóa sưu tầm và bình luận các câu hát đối”, thầy Thời chia sẻ.
HOÀI THU
Là người quan tâm đến văn hóa dân gian Bình Định, tôi thật sự cảm ơn thầy Vũ Thời đã dày công sưu tầm, biên tập 'hát đối" - di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của quê hương Bình Định. Hy vọng trong thời gian sớm nhất sẽ được đón nhận sản phẩm của thầy!
Cám ơn Hoài Thu đã là người bạn đồng hành cùng nhau chia sẻ, động viên công việc âm thầm mà ít người quan tâm và biết đến. Hẹn một ngày khi nghiệm thu sản phẩm, sẽ được tâm sự nhiều hơn. Mong rằng bạn đọc gần xa đón nhận và cổ vũ, xem đây như một món quà để tặng cho quê hương mình, để tìm về cuộc sống tuổi thơ, tìm về với những kỉ niệm đẹp bên người bà đáng kính của mình. Cám ơn tất cả nhân dân trong địa phương, nhất là những vị cao tuổi đã chắp cánh cho những ấp ủ mà mình đã đang và sẽ thực hiện. Xin cám ơn!