Những lưu ý khi trẻ bị nôn trớ
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh), cho biết: “Nôn trớ là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Nôn trớ có thể lành tính, tự khỏi khi trẻ lớn hơn. Có khi nôn trớ là biểu hiện của những bệnh lý tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, có thể là triệu chứng của bệnh lý đường hô hấp hay bệnh lý toàn thân. Khi xảy ra nôn trớ nếu không biết xử trí đúng cách thì chất nôn sẽ tràn vào khí quản, phổi gây viêm phổi do hít rất nguy hiểm”.
Nếu nôn trớ dạng đơn thuần liên quan đến ăn uống, thường gặp ở trẻ nhỏ do ép trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, nằm liền sau khi bú, hoặc không dung nạp thức ăn, bắt đầu ăn bổ sung với thức ăn mới lạ. Do vậy, không ép trẻ ăn nhiều, khi cho một loại thức ăn mới nên cho từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Ở những trẻ bú mẹ thì sau khi bú xong nên bế trẻ 10 - 15 phút rồi mới đặt trẻ nằm...
Đối với nôn do bệnh tật, hay gặp trong các bệnh nhiễm khuẩn, ngoại khoa, khiến trẻ nôn đột ngột và kèm theo các triệu chứng đặc hiệu của từng bệnh. Khi bé nôn, nên để bé nằm nghiêng hoặc đỡ bé ngồi dậy, đề phòng chất nôn sẽ tràn vào khí quản, gây sặc rất nguy hiểm. Trường hợp trẻ lớn bị sặc, đừng cố lấy tay móc thức ăn hay chất nôn ra, nên đứng sau lưng trẻ, quàng hai tay ôm lấy bụng trẻ và ấn mạnh vào, sẽ làm trẻ nôn ói ra dị vật đường thở. Ở trẻ nhỏ hơn thì nên để nằm sấp trên đùi chúng ta và vỗ mạnh vào lưng trẻ khiến dị vật, chất nôn được tống ra. Sau đó, nếu trẻ còn mệt thì nên đưa đến khám ở cơ sở y tế gần nhất.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)