Cơm từ thiện tại bệnh viện: Phải an toàn và tránh lãng phí
Phát cơm, cháo từ thiện tại các bệnh viện là việc nghĩa. Song, không phải lúc nào việc làm này cũng mang lại hiệu quả thật sự.
Hôm rồi, mẹ tôi phải nhập viện điều trị chứng rối loạn tiền đình kinh niên. Bận làm nên đến gần trưa, chuẩn bị mua cơm mang vào thì mẹ gọi điện nói có “cơm từ thiện” rồi. Tối hôm ấy, mẹ kể lại câu chuyện lúc trưa, vừa nói vừa chép miệng: “Đúng ngày rằm nên có tới mấy chỗ cho cơm chay, có người nhận 2 - 3 hộp, con cháu theo nuôi ăn cũng đỡ, có người chẳng ăn hết, bỏ phí quá! Lại có người tiếc của, cơm nấu sáng, phát ăn trưa mà để đến chiều ăn tiếp, bụng dạ nào chịu nổi!”.
Chuẩn bị cơm cho bệnh nhân nghèo tại bếp ăn tình thương BVĐK tỉnh.
Phát cơm, cháo từ thiện ở các bệnh viện càng ngày càng phổ biến. “Thương người như thể thương thân” là đạo lý truyền thống, giúp người lúc ngặt nghèo là việc làm nhân nghĩa. Song, như mọi người hay nói - “cái gì quá cũng không tốt”. Bác sĩ Nguyễn Thị Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, chia sẻ rằng, cứ đến ngày rằm hoặc mùng một, bệnh viện lại nhận được nhiều bữa cơm từ thiện do nhiều đoàn đem tới. Từ sáng sớm đã có những chuyến xe chở nào là thùng cháo, mì cho bệnh nhân ăn sáng, đến trưa, chiều cũng vậy. Bệnh viện cũng có quy định kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng vẫn bị “lọt” vì họ đi không báo trước và thực hiện ngoài giờ hành chính. Càng khó kiểm soát khi họ tổ chức phát cơm, cháo ngoài cổng. Ban đầu thì cũng mừng cho bệnh nhân có những bữa ăn giải quyết phần nào khó khăn, bây giờ thì lo quá, lỡ ngộ độc thực phẩm hàng loạt thì sao?
Bác sĩ Trần Quốc Việt, Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn từng kể, có lần, lãnh đạo bệnh viện thẳng thừng yêu cầu một nhóm người ra khỏi khuôn viên bệnh viện. Bởi, họ mang cơm vào phát cho bệnh nhân mà không thông báo, xin ý kiến ai cả. “Bệnh nhân mình điều trị, theo dõi chặt chẽ từng chỉ số sức khỏe. Thế mà lại ăn uống tự do, cơm chưa được kiểm tra an toàn, xảy ra chuyện gì thì mình lại mang tiếng”, bác sĩ Việt phân trần.
Trên thực tế, hoạt động hỗ trợ bệnh nhân nghèo ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của cơ sở điều trị và các tổ chức thiện nguyện. Bếp ăn tình thương tại BVĐK tỉnh là một điển hình. Nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, dụng cụ chế biến đầy đủ, vệ sinh thực phẩm được đảm bảo, lưu mẫu thức ăn nghiêm túc… Rất nhiều yếu tố tạo nên tính chuyên nghiệp, an toàn, hiệu quả của mô hình này. Bà Trần Thị Tuyết, Chi hội trưởng Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Nhân Ái (Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh), người “đứng mũi chịu sào” của bếp ăn này cho hay, mọi sự ủng hộ, đóng góp của các nhà hảo tâm luôn được trân trọng và sử dụng hiệu quả. Bảng công khai tài chính cũng thể hiện rõ ràng mức đóng góp của từng cá nhân, tập thể.
Bên cạnh các bếp ăn tình thương, tổ công tác xã hội tại các bệnh viện cũng là địa chỉ uy tín để những ai quan tâm đến bệnh nhân nghèo tìm đến, trao gửi khoản hỗ trợ. Hoạt động thiện nguyện liên quan đến dinh dưỡng, sức khỏe con người nên phải thực hiện khoa học, có kế hoạch và sự phối hợp giữa các bên liên quan, nhất là lực lượng chế biến thức ăn. Quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn, hiệu quả thật sự.
MAI LÂM