Còn đâu máu mủ ruột rà
Ban đầu, chỉ là những mâu thuẫn gia đình nhỏ nhặt, nhưng do các bên không chủ động hàn gắn, nên đã dẫn đến những kết cục đau lòng. Cô hạ độc cháu, chồng giết vợ, vợ chém chồng... Những vụ án hình sự mà nạn nhân và thủ phạm đều là người một nhà cho thấy, chính sự nhỏ nhen và ích kỷ của mỗi người đã làm giá trị đạo đức gia đình bị coi nhẹ và vùi lấp.
Bế tắc từ mâu thuẫn nhỏ
Có với nhau 3 mặt con, cuộc sống gia đình khá hạnh phúc, thế nhưng, gần hai năm trở lại đây, vợ chồng chị Đặng Thị Nhung và anh Ngô Văn Tiến (thôn An Trinh, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) thường xuyên xung đột vì chị Nhung cho rằng chồng mình không chung thủy. Mâu thuẫn không thể hóa giải, cảm thấy bế tắc và không có lối thoát nên nhiều lần vợ chồng anh Tiến đã làm đơn ly hôn để đường ai nấy đi.
Ngày 9.10.2013, chị Nhung chở theo 2 con đến tìm chồng để nói chuyện cho ra lẽ. Lúc này anh Tiến đang làm tại công trình thi công mương bê tông ở thôn Vạn Thiện (xã Mỹ Hiệp). Tại đây, hai vợ chồng lại tiếp tục cãi nhau. Trong lúc giằng co, bất ngờ Nhung rút dao Thái Lan thủ sẵn tấn công chồng, nhưng nhờ anh Tiến tránh kịp nên chỉ bị thương ở tay. Chưa chịu dừng lại, Nhung tiếp tục lao đến đâm một nhát vào ngực của anh Tiến theo hướng từ trên xuống khiến anh ngã gục. Rất may, anh Tiến được cấp cứu kịp thời nên đã giữ được tính mạng.
Vợ chồng không mâu thuẫn để dẫn đến kết cục buồn như vụ việc trên, song việc chồng bỏ đi ngay từ khi mình đang vượt cạn, sau đó lại thêm áp lực bị chính anh ruột suốt ngày tiếng bấc tiếng chì đòi đuổi đi khi bế con về nhà cha mẹ ruột tá túc đã khiến Nguyễn Thị Hà Diễm (SN 1988, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) ức chế. Trong lúc thiếu suy nghĩ, Diễm đã ra tay thực hiện một hành vi độc ác là cho thuốc chuột vào nồi cháo của con ruột anh trai (cháu gọi Diễm bằng cô ruột). May mắn, sự việc được phát hiện kịp thời nên không xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Nhưng Diễm phải trả giá cho hành động dại dột của mình. Trả lời câu hỏi có biết thuốc diệt chuột độc không, bị cáo Diễm cho rằng: “Bị cáo biết nó độc nhưng nghĩ thuốc này để lâu rồi chắc không còn tác dụng, hơn nữa, bị cáo chỉ cho vào một nửa viên nên có thể chỉ làm nôn mửa, ngất xỉu thôi. Với lại, mục đích của bị cáo là để phá hỏng nồi cháo để chị dâu đi nấu lại mà thôi”. Câu trả lời của bị cáo đã bị tòa bác.
Cái giá phải trả
Vì ghen tuông mù quáng mà bị cáo Nguyễn Thiện Mỹ (SN 1964, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) đã ra tay giết vợ và tự sát. May là hành vi sai trái này chỉ gây tổn hại 34% sức khỏe cho người mà gần 30 năm qua đã đầu ấp tay gối cùng bị cáo. Tại phiên tòa diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua, không chỉ 2 con của bị cáo tha thiết xin tòa giảm án cho cha, mà hơn 50 hộ dân cùng thôn với bị cáo cũng đã làm đơn xin tòa giảm án với lý do: “Bị cáo Mỹ sống rất chan hòa với xóm làng, thương vợ con và chí thú làm ăn”.
Nói lời cuối cùng trước tòa, bị cáo Mỹ chỉ xin HĐXX cho phép gặp 2 con của mình. Trong giây phút đoàn viên ngắn ngủi đó, Mỹ căn dặn con mọi điều và cả sự ân hận muộn màng:“...Ba đã tự tay phá hủy hạnh phúc gia đình mình, mẹ con giờ không tha thứ cho ba, ba ân hận lắm. Hai con hãy thay ba chăm sóc ông bà và mẹ, nhớ chăm chỉ học tập và sống tốt đợi ngày ba về cùng đoàn tụ”.
Rời phiên xử với bản án 5 năm 6 tháng tù, bị cáo Diễm đã ngã khuỵu: “Trời ơi, ai nuôi con tôi bây giờ!”. Tiếng nấc nghẹn của mẹ khiến cậu bé con 20 tháng tuổi, là con của bị cáo tỉnh giấc, ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Tội ác của Diễm là đáng lên án, song cũng đánh trách là suy nghĩ ích kỷ của người anh trai, sự thờ ơ của những người lớn trong nhà khi nhận thấy những xung đột nảy sinh trong đời sống hàng ngày của các con mình mà không tìm cách dung hòa, giải thích.
Nguyên nhân chính xảy ra những sự việc đau lòng trên là do sự hiểu biết pháp luật của người trong cuộc còn hạn chế, đặc biệt là do mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ gia đình nhưng không được giải quyết kịp thời. Để rồi, trong phút nông nổi không kìm chế được bản thân, họ đã ra tay với chính những người thân trong gia đình mình. Kẻ gây tội rồi sẽ bị pháp luật trừng phạt, nhưng ai sẽ bù đắp lại tình cảm gia đình đã sứt mẻ quá nhiều?
Vị đại diện Viện kiểm sát, giữ quyền công tố tại tòa trong vụ án Diễm đầu độc cháu ruột đã nói: “Nguyên nhân xảy ra các vụ án gia đình còn do một số người coi nhẹ giá trị gia đình, đạo đức cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với những người thân trong gia đình. Từ đó, họ có cách hành xử không đúng mực với người thân. Lâu dần, lối sống ấy biến thành sự vị kỷ và khi xảy ra xung đột đã bộc phát thành bạo lực, gây hậu quả nghiêm trọng”.
KIỀU ANH