NASA tìm thấy dấu hiệu sự sống trên sao Hỏa
Tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện một lượng lớn khí metan trong bầu khí quyển của hành tinh Đỏ.
Tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity
Tờ New York Times ngày 23.6 dẫn nguồn tin cho biết các sinh vật sống trên Trái đất thường thải ra khí metan.
Thông thường, phải mất vài thế kỷ để ánh sáng Mặt trời và các phản ứng hóa học phá vỡ vỡ các phân tử khí metan. Nếu tàu Curiosity phát hiện ra khí metan trên sao Hỏa thì điều đó có nghĩa là khí này chỉ vừa được phát thải gần đây.
Tuy nhiên, các phản ứng địa nhiệt không liên quan đến sinh vật cũng có thể tạo ra khí metan. Hoặc cũng có thể đó là khí metan từ cổ đại, bị mắc kẹt bên trong lòng sao Hỏa hàng triệu năm và vừa thoát lên bề mặt thông qua các vết nứt mới xuất hiện.
Năm 2013, tàu Curiosity của NASA cũng đã phát hiện dấu vết khí metan trên sao Hỏa. Tuần này, Curiosity một lần nữa tìm thấy khí metan ở mức cao hơn nhiều so với trước đó.
So với số liệu về mật độ metan đo được trước đây là 7 phần tỉ trong bầu khí quyển, đã được coi là cao, thì số liệu mới nhất đo được trong tuần này là 21 phần tỉ, một con số cao hơn nhiều.
NASA thông tin về việc phát hiện khí metan nhưng cho biết đây chỉ là "kết quả nghiên cứu ban đầu". Phát ngôn viên của NASA cho biết: "Để duy trì tính liêm chính trong học thuật, đội ngũ khoa học nghiên cứu dự án này sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu trước khi xác nhận kết quả cuối cùng".
Năm tới, sẽ có thêm 2 robot tự hành được đưa lên sao Hỏa là Mars 2020 của NASA và Rosalind Franklin của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Cả hai robot sẽ được trang bị các cảm biến để phát hiện dấu tích sự sống dựa trên carbon và sẽ đến bề mặt sao Hỏa vào năm 2021.
Theo Vũ Phong (Chinhphu.vn)