Khẩn trương “hạ hỏa” sốt xuất huyết
Chỉ nửa đầu năm 2019, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue đã tương đương số mắc cả năm 2018. Nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng đòi hỏi phải khẩn trương chống dịch.
Sở Y tế cho biết đến sáng 24.6, toàn tỉnh ghi nhận 3.661 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), phát hiện và xử lý 195 ổ dịch; trong đó, “điểm nóng” vẫn là các địa phương: An Nhơn, Hoài Nhơn, Tây Sơn và TP Quy Nhơn…
Nhiều địa phương trở thành “điểm nóng” SXH với hàng trăm ca mắc bệnh chỉ trong 6 tháng đầu năm.
Không quyết liệt, khó khống chế dịch
Với 701 ca mắc, 44 ổ dịch tại 17/17 xã, thị trấn, Hoài Nhơn chỉ đứng sau TX An Nhơn về diễn biến phức tạp của SXH. Số ca bệnh và ổ dịch đã vượt con số của cả năm 2018 (667 ca, 41 ổ dịch). Đáng nói hơn, trong khi SXH tại các địa phương “hạ nhiệt” thì riêng Hoài Nhơn vẫn cứ tăng mạnh, trên 100 ca bệnh/tháng.
Tránh không để xảy ra tử vong
Trước diễn biến phức tạp của SXH, trong buổi làm việc mới đây với Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu tập trung giám sát, điều trị ca bệnh. Ngành Y tế chủ động phối hợp chính quyền các cấp khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Ðặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự diệt lăng quăng, bảo đảm vệ sinh môi trường, tránh không để dịch lan rộng, tử vong do SXH.
Nhiều giải pháp đã được huyện triển khai với việc huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch. UBND huyện và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện xây dựng kế hoạch phát động phong trào toàn dân phòng chống dịch SXH. Hơn 20.000 tờ rơi đã được cấp phát đến hộ dân.
Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn Trần Thị Lệ Kiều cho hay: Toàn huyện đã phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại các ổ dịch, xử lý chủ động quy mô toàn xã tại Tam Quan và Tam Quan Bắc; xử lý hóa chất quy mô toàn thôn tại 6 thôn của Hoài Hảo, Tam Quan Nam, Hoài Hương, Hoài Thanh. Huyện tổ chức 155 đội xung kích tại các thôn, khối phố, với gần 1.500 thành viên tham gia diệt lăng quăng. Địa phương còn lập biên bản những hộ bất hợp tác trong phòng, chống dịch...
Bất chấp một loạt giải pháp phòng chống dịch, tại xã Tam Quan Bắc đến giờ vẫn là điểm nóng SXH của huyện Hoài Nhơn với 186 ca mắc bệnh, 10 ổ dịch. Y sĩ Lưu Thị Bích Trâm, Trưởng trạm y tế xã Tam Quan Bắc cho hay, hạn hán kéo dài, một số khu vực dân cư thiếu nước sinh hoạt nên người dân tích trữ nước, nhiều dụng cụ chứa nước trở thành ổ chứa lăng quăng. Người dân hạn chế hợp tác trong việc xử lý, thau rửa các dụng cụ này.
Trước thực trạng này, giữa tháng 6 Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Hoài Nhơn triệu tập cuộc họp khẩn với các xã, thị trấn. Ngay sau đó, chiến dịch ra quân phun hóa chất, diệt lăng quăng tại các địa phương, đặc biệt chú trọng điểm trường phục vụ kỳ thi THPT quốc gia 2019. “Toàn huyện phát động xây dựng mô hình “đoàn thể tự quản”, “khu dân cư không có lăng quăng”. Duy trì diệt lăng quăng 1 lần/tuần ở các xã trọng điểm như Tam Quan Bắc, Tam Quan, Hoài Châu Bắc, Tam Quan Nam; các xã còn lại 2 tuần/lần đến khi không phát sinh ca bệnh, ổ dịch. Chúng tôi yêu cầu tất cả phải vào cuộc, coi công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của địa phương. Không làm quyết liệt thì khó khống chế SXH bùng phát thành dịch”, ông Trương Đề - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Hoài Nhơn khẳng định.
Giám sát, hướng dẫn người dân diệt ổ lăng quăng chống dịch SXH tại xã Tam Quan Bắc.
10 phút/ngày diệt lăng quăng
Những bất thường của SXH năm nay được Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bùi Ngọc Lân lý giải, ngoài tính chu kỳ còn do tác động của biến đổi khí hậu; lưu hành cùng lúc nhiều tuýp vi-rút Dengue; tồn tại đa dạng các ổ chứa lăng quăng trong khi ý thức tự kiểm tra và loại trừ ổ chứa lăng quăng của người dân rất hạn chế. Thời tiết hiện nay chỉ cần 7 - 10 ngày trứng muỗi đã phát triển thành muỗi trưởng thành và trong vòng 24 - 36 giờ đã có thể hút máu, truyền bệnh SXH.
“Đến nay, ngành y tế đã phối hợp các địa phương triển khai xử lý dịch trên diện rộng cả 2 biện pháp là tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi kết hợp phun bằng máy công suất lớn đặt trên ô tô, máy phun mang tại các điểm nóng Hoài Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh”, ông Lân thông tin.
Phun hóa chất chống dịch SXH bằng máy công suất lớn tại TX An Nhơn.
TX An Nhơn đã “hạ nhiệt” SXH, nhưng Giám đốc TTYT Lê Thái Bình khẳng định không thể chủ quan, lơi lỏng công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Thị xã huy động học sinh, phụ nữ, thanh niên tham gia phòng chống dịch; tổ chức các nhóm diệt lăng quăng tại cộng đồng gồm nhân viên y tế, cán bộ thôn, đoàn thể cùng tham gia, tổ chức hàng tuần ở những nơi có ổ dịch và 2 tuần/lần đối với những nơi chưa có ổ dịch.
“Ngăn chặn dịch bệnh SXH hiệu quả nhất và căn cơ nhất vẫn là loại trừ ổ chứa lăng quăng. Nếu phun hóa chất mà chỉ số lăng quăng còn cao thì chỉ vài ngày quần thể muỗi mới lại khôi phục, bệnh vẫn lây lan và kéo dài hoặc tái phát, công tác phòng chống dịch không bền vững. Vì thế, mỗi người, mỗi gia đình chỉ cần bỏ ra 10 phút/ngày để kiểm tra các vật dụng chứa nước, loại bỏ các ổ lăng quăng tại gia đình mới khống chế được dịch bệnh”, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng nhấn mạnh.
MAI HOÀNG