Mô hình “kho bạc không có bạc”: Nhìn từ điển hình Phù Mỹ
Gần đây, mô hình “kho bạc không có bạc” mà các Kho bạc Nhà nước trên địa bàn tỉnh triển khai giúp cho công tác thu, chi ngân sách nhà nước hiệu quả hơn, đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt.
Mô hình “kho bạc không có bạc” sẽ giúp công tác thu, chi NSNN hiệu quả, góp phần thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt.
- Trong ảnh: Một góc quầy giao dịch của KBNN tỉnh.
Ông Trần Ngọc Thơ, Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) huyện Phù Mỹ, cho biết: Lâu nay KBNN huyện quản lý khoảng 190 tài khoản giao dịch của đơn vị sử dụng ngân sách nên hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), xử lý một lượng tiền mặt khá lớn. Thực hiện chủ trương về việc hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, KBNN huyện đã xây dựng mô hình “kho bạc không có bạc” để triển khai tốt công tác thu, chi ngân sách…
Theo đó, về thu NSNN, đơn vị đã phối hợp với các ngân hàng thương mại như: BIDV, Agribank, Vietinbank mở các điểm chuyên thu thuế điện tử, tạo thuận lợi cho khách hàng. Nhờ vậy, các khoản thu được hạch toán nhanh chóng, đầy đủ, chính xác… Đồng thời, KBNN Phù Mỹ còn phối hợp với các ngân hàng, hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập thu phí bằng tiền mặt mở tài khoản chuyên thu. Cụ thể, sau 5 ngày làm việc hoặc số dư trên 1 tỷ đồng, số tiền này sẽ chuyển về tài khoản của đơn vị mở tại KBNN để giảm tải tiền mặt… Theo ông Lưu Văn Bình, Giám đốc Agribank Phù Mỹ, nhờ sự phối hợp giữa kho bạc - ngân hàng nên công tác thu ngân sách của chi nhánh gặp nhiều thuận lợi và đạt hiệu quả…
Cũng theo ông Trần Ngọc Thơ, đơn vị còn thực hiện tốt kiểm soát chi NSNN. Theo quy định của Bộ Tài chính, các đơn vị sử dụng ngân sách khi giao dịch với KBNN cấp huyện có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt từ 1 tỷ đồng trở lên trong 1 lần thanh toán sẽ thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, thực tế khi rút tiền không có khoản nào trên 1 tỷ đồng, trong khi KBNN huyện vẫn phải rút tiền mặt hàng ngày tại ngân hàng thương mại. Khắc phục tình trạng này, đơn vị phối hợp với ngân hàng chuyển việc thanh toán bằng séc (nhận tại kho bạc) sang thanh toán điện tử (nhận tiền mặt tại ngân hàng).
Với cách làm mới, việc thu, chi NSNN ở Phù Mỹ đạt hiệu quả cao hơn trước, giao dịch tiền mặt giảm đáng kể. 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động thu, chi NSNN của KBNN huyện tiếp tục đạt kết quả khả quan, trong đó công tác thu ngân sách đạt 100%; chi ngân sách đạt 95,6%, giao dịch tiền mặt giảm 91%. Đáng ghi nhận là KBNN huyện giảm bớt khối lượng công việc thu, chi tiền mặt lớn, đồng thời tăng cơ hội khai thác thêm khách hàng cho các ngân hàng thương mại và giảm chi phí giao nhận, điều chuyển tiền mặt giữa ngân hàng với kho bạc.
Ngoài KBNN huyện Phù Mỹ, hiện trên địa bàn tỉnh còn có một số KBNN huyện, thị xã vận dụng có hiệu quả mô hình “kho bạc không có bạc”, như: KBNN các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Hoài Nhơn. Theo ông Nguyễn Phúc Hùng, Phó Giám đốc KBNN Bình Định, hiệu quả mô hình “kho bạc không có bạc” mà KBNN huyện Phù Mỹ thực hiện là rất đáng ghi nhận. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính về “Giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN”, thời gian qua, KBNN tỉnh đã nỗ lực triển khai đề án “Hiện đại hóa công tác thu nộp NSNN”, với nhiều phương thức thanh toán, như: Thanh toán điện tử liên KBNN; thanh toán liên ngân hàng (tại KBNN); thanh toán điện tử song phương ngoài KBNN (qua các ngân hàng thương mại)… Kết quả, sau Hội nghị “Triển khai dịch vụ công trực tuyến KBNN” (tháng 4.2019), đến nay đã có 48/156 đơn vị giao dịch mở tài khoản tại KBNN tỉnh...
VIẾT HIỀN