Sẽ kết nối Zalo với cổng dịch vụ công trực tuyến
Tạo thuận lợi cho người dân và DN trong việc tìm hiểu thông tin và tra cứu tình hình giải quyết thủ tục hành chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần cải thiện chỉ số quản trị điện tử của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, quản trị điện tử là nội dung mới, lần đầu tiên được Chương trình nghiên cứu xây dựng chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) đưa vào thực hiện khảo sát, đánh giá trong năm 2018. Chỉ số quản trị điện tử năm 2018 của Bình Định là 2,74/10 điểm, đứng thứ 49/63 tỉnh, thành; trong đó, thành phần thứ nhất “sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương” đạt 0,58 điểm, thành phần thứ hai “tiếp cận và sử dụng internet tại địa phương” đạt 2,16 điểm.
● Kết quả này phần nào cho thấy “bức tranh” quản trị điện tử của tỉnh có phần “ảm đạm”, thưa ông?
- Cần phải khẳng định rằng kết quả đánh giá chỉ số quản trị điện tử như đã nêu là khách quan và có cơ sở. Từ kết quả này, cộng với quá trình triển khai của các sở, ban, ngành, địa phương và mức độ hiểu biết của người dân đối với loại hình dịch vụ công trực tuyến đang áp dụng cho thấy lượng người dân sử dụng cổng thông tin điện tử của tỉnh để tìm hiểu về quy trình, thủ tục hành chính (TTHC) còn rất hạn chế.
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đến nay toàn tỉnh có 2.443 TTHC đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2; 315 TTHC cấp tỉnh và 156 TTHC cấp huyện ở mức độ 3, 4. Thời gian qua, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã được UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả, chưa thu hút được sự quan tâm, sử dụng của người dân.
● Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó?
- Công tác tuyên truyền, phổ biến sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Một số nơi chưa đầu tư xây dựng các trang thông tin điện tử, hoặc giao diện chưa tạo được sự thuận tiện để tương tác, truy cập; nội dung thông tin còn nghèo nàn, thiếu cập nhật thường xuyên. Hầu hết UBND cấp xã - cấp chính quyền trực tiếp tương tác với người dân - chưa xây dựng được trang thông tin điện tử.
Bên cạnh đó, đa số người dân, nhất là tại nông thôn, chưa am hiểu nhiều về công nghệ thông tin, khả năng thao tác với thiết bị điện tử và sử dụng internet để tìm kiếm thông tin liên quan đến giải quyết TTHC còn nhiều hạn chế. Mặt khác, do tâm lý lo ngại rủi ro, mất an toàn thông tin và từ lâu đã quen với việc sử dụng văn bản giấy, nên chưa chú trọng sử dụng internet để tìm hiểu thông tin và nộp hồ sơ trực tuyến.
Ngoài ra, việc cung cấp trực tuyến một số TTHC ở mức độ 3, 4 còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề xác thực tính pháp lý của các hồ sơ, giấy tờ điện tử do người dân, tổ chức cung cấp. Việc triển khai mở rộng ở cấp huyện còn gặp nhiều trở ngại về hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực.
Hướng dẫn người dân tra cứu thông tin về TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
● Theo ông, cần phải làm gì để cải thiện chỉ số quản trị điện tử của tỉnh?
- Trước mắt cần tập trung vào 2 nhiệm vụ lớn. Thứ nhất, nâng cao khả năng sử dụng internet của người dân, làm thay đổi, dần hình thành thói quen sử dụng internet tương tác với cơ quan nhà nước thông qua việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Thứ hai, không ngừng phổ biến việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, kết hợp với việc nâng cao chất lượng hoạt động của công cụ cung cấp và các công cụ hỗ trợ thông qua nền tảng internet và ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo đó, trang thông tin điện tử của các sở, ngành và địa phương phải thật sự trở thành kênh giao tiếp thường xuyên, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó giữa cơ quan nhà nước với công dân và tổ chức. Để làm được điều đó, các cơ quan, đơn vị cần đầu tư, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của cổng thông tin điện tử và các trang thông tin điện tử, đảm bảo có chuyên mục dịch vụ công trực tuyến, giao diện thật sự thân thiện, dễ tương tác, truy cập; kịp thời xem xét trả lời và đăng tải đầy đủ nội dung trả lời các thắc mắc, phản ánh, kiến nghị của công dân và tổ chức.
Trong phạm vi thẩm quyền cho phép, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần có các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, tạo điều kiện người dân, DN nộp hồ sơ trực tuyến, như ưu tiên giải quyết trước hạn, hỗ trợ chuyển trả kịp thời khi có kết quả giải quyết…
Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, từ đó tập trung nghiên cứu, tối ưu các tính năng tiện ích. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng công cụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cho phép người sử dụng thực hiện các thao tác trên thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng…
● Trong thời đại bùng nổ công nghệ, lĩnh vực quản trị điện tử cần ứng dụng công nghệ hiện đại như thế nào, thưa ông?
- Quan trọng và cần thiết hơn hết là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng các công cụ hỗ trợ cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: Tin nhắn SMS, Zalo, các mạng xã hội khác… nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
Bên cạnh đó, cần phải phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ triển khai kết nối ứng dụng Zalo với cổng dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN có thể tìm hiểu thông tin và tra cứu tình hình giải quyết hồ sơ TTHC. Đây là công cụ hỗ trợ đã được kiểm chứng hiệu quả bởi nhiều cơ quan Trung ương và các địa phương trong cả nước.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)