Tuy Phước căng thẳng với dịch tả heo châu Phi
Dịch tả heo châu Phi lây lan quá nhanh khiến cả huyện Tuy Phước rất vất vả với việc bao vây, khống chế và ngăn chặn.
Mới tiêu hủy xong đàn heo 37 con (tổng trọng lượng 706 kg) của hộ bà Trần Thị Hoa Phượng (khối Trung Tín 1, thị trấn Tuy Phước) bị dịch tả heo (DTH) châu Phi, sáng 24.6, lực lượng thú y huyện Tuy Phước lại nhận tin báo đàn heo của hộ ông Nguyễn Văn Xuân ở cùng khu phố nói trên cũng mắc bệnh DTH châu Phi.
Tại nhà ông Xuân, trong ô chuồng nhốt riêng, một con heo nái đã chết, thân mình tím tái, còn 4 con heo nái và 20 con heo thịt ở các ô chuồng khác vẫn bình thường. “Biết DTH châu Phi rất nguy hiểm, nên mấy hôm nay tôi thường xuyên phun thuốc sát trùng chuồng trại, đầu tư chăm sóc heo rất chu đáo. Mới hôm qua, đàn heo còn rất khỏe mạnh, nhưng sáng nay bỗng nhiên một con heo nái bị chết!”, ông Nguyễn Văn Xuân buồn rầu kể.
Lực lượng thú y thị trấn Tuy Phước đưa con heo của ông Nguyễn Văn Xuân bị chết đi tiêu hủy.
Ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tuy Phước, cho hay: Chúng tôi đã hỗ trợ vôi cho người chăn nuôi và hướng dẫn bà con phun thuốc khử độc sát trùng, vậy mà cũng không ngăn được bệnh dịch. Việc huy động lực lượng, phương tiện để vận chuyển xác heo, đào hố chôn lấp trong thời tiết nắng nóng gay gắt thật không dễ.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước, trong vòng bán kính ổ DTH châu Phi trước đó 3 km, nếu đàn heo của hộ nào bị chết thì không cần phải lấy mẫu xét nghiệm mà phải lập biên bản tiêu hủy ngay. Với trường hợp của hộ ông Nguyễn Văn Xuân, sau khi xin ý kiến chỉ đạo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước quyết định chỉ tiêu hủy 1 con heo nái bị chết và cử lực lượng thú y tiếp tục theo dõi đàn heo, nếu hôm sau có thêm heo chết, sẽ tiêu hủy cả đàn.
Khiêng con heo nái nặng hơn 1 tạ lên xe đưa đi tiêu hủy xong, ông Hồ Minh Tài, cán bộ thú y thị trấn Tuy Phước, gạt mồ hôi vừa thở vừa nói: Hơn một tuần nay, chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên với DTH châu Phi. Suốt 2 ngày nay công việc bận rộn, vất vả hơn vì phải tổ chức tiêu hủy heo chết trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
So với các địa phương khác, DTH châu Phi tại huyện Tuy Phước diễn biến phức tạp hơn, tốc độ lây lan nhanh, từ đầu tháng 6.2019 đến nay dịch bệnh đã lây nhiễm đàn heo của 51 hộ dân tại các xã: Phước Thành, Phước An, Phước Lộc, Phước Hiệp, Phước Nghĩa và các thị trấn: Tuy Phước, Diêu Trì. Ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tiêu hủy 606 con heo/18,27 tấn. Việc bao vây, ngăn chặn DTH châu Phi lây lan ra diện rộng tại Tuy Phước thật sự là vấn đề nan giải.
Ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đã quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 55-CT/TU ngày 31.5.2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn hiệu quả bệnh DTH châu Phi trên địa bàn huyện. Hiện bên cạnh việc cấp vôi, thuốc thú y cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi khử độc, sát trùng chuồng trại, các xã, thị trấn đã thành lập các tổ, đội phản ứng nhanh phòng chống, xử lý các ổ DTH châu Phi. Bên cạnh đó, rà soát, thống kê đàn heo để làm cơ sở cho công tác quản lý và xử lý dịch bệnh, đồng thời hướng dẫn người dân tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm tra hoạt động mua bán thịt heo tại các chợ, các điểm thu mua heo và công tác rắc vôi sát trùng tại các địa phương...
PHẠM TIẾN SỸ