Cái giá phải trả của một nghịch tử
Trước khi phiên tòa diễn ra, nạn nhân đã viết 3 lá đơn xin giảm án cho bị cáo, và tại phiên tòa xét xử sơ thẩm do TAND tỉnh tổ chức vào chiều 24.6, nạn nhân vẫn tiếp tục xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Tuy vậy với hành vi dùng hung khí đánh chính cha ruột của mình, bị cáo Cù Ngọc Hà (SN 1995, TX An Nhơn) vẫn bị hội đồng xét xử TAND tỉnh tuyên phạt mức án 9 năm tù giam về hành vi giết người.
Bị cáo Hà trong giờ nghị án.
Nạn nhân của bị cáo Hà trong vụ án này không ai khác chính là cha ruột của anh ta. Chỉ vì bức xúc cha mình là ông Cù Văn Phúc thường xuyên chửi, mắng và nghi ngờ ông Phúc lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình đi thế chấp nên 2 cha con xảy ra mâu thuẫn. Ngày 23.11.2018, trong lúc nói chuyện, Hà lại tiếp tục yêu cầu cha mình đưa giấy chủ quyền đất, nhưng không được đáp ứng. Với bản chất hung hăng, Hà bất ngờ dùng dao phay dài 40 cm chém nhiều nhát vào đầu, vai cha; được người trong gia đình can ngăn nhưng Hà vẫn không dừng lại mà tiếp tục dùng cây đèn sứ đánh vào đầu ông Phúc. Hậu quả ông Phúc bị tổn thương cơ thể 61%.
Tại tòa, Hà đã khóc và tỏ ra ân hận trước hành vi đánh cha ruột của mình, nhất là khi nghe hội đồng xét xử phân tích nhà là tài sản của cha mẹ, bị cáo có quyền gì mà đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng.
Còn ông Phúc nêu quan điểm: vợ chồng tui có mình nó là con trai nên tài sản giữ là cho nó thôi. Chuyện cũng đã xảy ra, tui không đòi hỏi gì ngoài việc mong muốn nó được trả tự do sớm để về làm lại cuộc đời.
Nghe cha nói, Hà lại khóc và xin gia đình tha lỗi, mong hội đồng xét xử khoan hồng, bản thân rất ân hận với những gì đã làm với cha. Tuy nhiên, hội đồng xét xử khẳng định, dù gia đình tha thứ nhưng hành vi của bị cáo vẫn phải bị pháp luật xử lý. Hành vi của bị cáo đã phạm vào điểm đ, n, khoản 1 điều 123/BLHS có khung hình phạt từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, xét các tình tiết giảm nhẹ, mức án 9 năm tù giam là bài học thích đáng dành cho bị cáo Hà.
K.ANH