Chuyện chế độ đãi ngộ khi VĐV giải nghệ
1. Một thời, giới truyền thông liên tục nhắc đến hoàn cảnh éo le của các VĐV thể thao quốc gia như trường hợp của kình ngư Trần Xuân Hiền mất do tai nạn giao thông, đô vật Lê Thị Huệ, VĐV khuyết tật Nhữ Thị Khoa hay mới đây là cuộc sống “bán bánh mì” của các cô gái đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Nếu có dịp tìm hiểu về cuộc sống của các VĐV, hẳn không ít người phải chạnh lòng trước những khó khăn mà họ phải đối mặt trong cuộc sống mưu sinh sau khi giải nghệ.
Thể thao là một “ngành nghề đặc biệt”. Để có phút tỏa sáng, giành được những danh hiệu cao quý, “người lao động” phải trả giá bằng sự khổ luyện, bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu. Để đào tạo được một VĐV thành tích cao cần một quá trình rất dài, thường phải bắt đầu từ khi còn nhỏ với phần lớn thời gian cho luyện tập và các giải đấu. Sức lực đổ ra nhiều vậy, nhưng đỉnh cao thành tích của phần lớn VĐV rất ngắn hạn. VĐV nào nỗ lực trong tập luyện thì phong độ được duy trì, nhưng đến một thời điểm nào đó, khi tuổi đời cao và thể lực đi xuống thì việc giã từ sự nghiệp VĐV đỉnh cao là điều tất yếu. Vấn đề là sau khi giải nghệ, không phải VĐV nào cũng tìm được cho mình hướng đi phù hợp. Nếu tìm được “đầu ra”, không phải VĐV nào cũng đủ nỗ lực vượt qua những khó khăn để bám trụ với công việc mới.
2. Nhiều năm qua, ngành TDTT Bình Định và đơn vị chủ quản của các VĐV qua nhiều thời kỳ cũng đã tạo điều kiện cho các VĐV sau khi giã từ nghiệp thi đấu được đi học Đại học chuyên ngành TDTT, theo con đường huấn luyện để trở thành HLV. Hay một số cựu VĐV được tạo điều kiện tìm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH một thành viên In Bình Định, Công ty Cổ phần một thành viên Cảng Quy Nhơn… Ngoài việc tiếp cận công việc mới, các cựu VĐV này còn đóng góp rất nhiều cho phong trào TDTT của đơn vị. Tuy nhiên, một thực tế không thể không nhắc đến là không phải VĐV nào cũng chịu khó học tập và tận dụng lấy cơ hội đi học để chuyển sang lĩnh vực mới.
Vấn đề chế độ đãi ngộ cho VĐV thể thao khi giải nghệ luôn là đề tài được xới đi xới lại trong nhiều năm qua. Làm thế nào để “bước khỏi sàn đấu”, các VĐV có cuộc sống ổn định, yên tâm cống hiến sức lực cho xã hội, đó là trăn trở không chỉ của chính họ mà còn của các nhà quản lý thể thao. Ngành TDTT cần có những đãi ngộ phù hợp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với những VĐV từng giành nhiều thành tích cho thể thao tỉnh nhà, như việc phối hợp trong đào tạo chuyên ngành thể thao, tạo điều kiện trong thi tuyển… Ở chiều ngược lại, và quan trọng hơn tất cả mọi thứ trong câu chuyện này là - chính các VĐV cần ý thức tự rèn luyện, nâng cao trình độ văn hóa song song với hoạt động tập luyện, thi đấu.
THIÊN TRÚC