Ngày hội bóng đá của trẻ kém may mắn
Lần đầu tiên, một giải bóng đá dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở quy mô quốc gia được tổ chức từ nguồn vận động xã hội hóa. Sự kiện thể thao này cho thấy sự quan tâm của xã hội dành cho các em.
Một pha bóng trong trận Bình Định - Quảng Ngãi.
Ngày hội của các em
Bình Định là 1 trong 3 nơi diễn ra vòng loại Giải bóng đá quốc gia dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt năm 2019. Có khoảng 100 em đến từ 8 đội bóng trong khu vực (thuộc bảng II) về tranh tài. Là môn thể thao yêu thích, gần như chơi mỗi ngày, song thi đấu ở giải cấp quốc gia như thế này, là điều háo hức, thú vị với các em.
Vòng loại bảng II mở màn bằng trận cầu giữa Bình Định và Quảng Ngãi. Nhịp trận đấu nhanh, sôi nổi, cảm xúc thay đổi, phong phú qua từng diễn biến trên sân. Là giải bóng đá dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đến từ các làng SOS, làng hòa bình, trung tâm bảo trợ xã hội trên cả nước, nên xúc cảm của khán giả không chỉ là chuyện chuyên môn trên sân bóng. Khi đội Làng trẻ em SOS Quy Nhơn (đại diện của Bình Định) thi đấu, khán giả Nguyễn Bình Minh (9 tuổi) ở nhà số 4 Làng SOS Quy Nhơn chốc chốc lại dùng tay làm loa nói vọng vào sân “các anh giỏi lắm, cố lên cố lên!”. Ngồi xem cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Cương- Giám đốc Làng - và vài người nữa bật cười, quay sang vỗ vỗ vai Minh “được rồi, được rồi, chăm chỉ chơi bóng, cố gắng học hỏi từ các anh chơi giỏi, vài năm nữa lớn và có giải, Làng sẽ cho con tham gia, nhé!”. Chị Nguyễn Thị Thủy, mẹ của nhà số 4, xoa đầu Minh giải thích: “Minh rất thích chơi bóng, nhà có 2 anh được tham gia đội, con tự hào lắm. Rạo rực xin mẹ khi nào đá thì cho đi coi cổ vũ 2 anh”.
Thắp lên ước mơ, niềm vui
Niềm vui chộn rộn của cậu bé Minh càng làm tôi hiểu chia sẻ của những cán bộ đưa các đội bóng tham gia giải. Rằng, đá bóng, một niềm vui tưởng vô cùng đơn giản nhưng không dễ thực hiện với trẻ khuyết tật, lang thang cơ nhỡ, mồ côi, thiếu tình thương gia đình. Vậy nên, vào các làng, cơ sở trợ giúp xã hội, không chỉ được chăm sóc, nuôi dưỡng, học hành mà còn vui chơi, giải trí tinh thần qua văn nghệ, thể thao… là mong ước cháy bỏng của các em. Không ít em đã nảy sinh tình yêu với trái bóng tròn theo cái cách như thế.
Như trường hợp của Đặng Thanh Hưng, chuẩn bị lên lớp 12, ở nhà Thanh niên - Làng SOS Quy Nhơn. Hưng kể, 6 năm trước khi chưa vào Làng, em chưa một lần chạm đến trái bóng. Vào Làng, em được căn dặn phải đều đặn tập thể dục thể thao mỗi ngày để có sức khỏe. Làng có 2 sân bóng rộng rãi. Đã thành nếp, chiều nào trẻ em ở đây cũng ra sân. Hưng hòa nhập gia đình mới, trở thành cầu thủ nhí cừ khôi của Làng và tham gia các giải ở địa phương.
Đội bóng của Làng Hòa bình Quảng Nam không chỉ đến sân khi tới lịch thi đấu mà còn tích cực đi xem, cổ vũ các đội bạn. Nhìn Hồ Văn Trọng, 11 tuổi, vui vẻ tâng, sút bóng, chơi đùa cùng các bạn trong đội, mấy ai biết cậu bé mới trải qua bất hạnh khủng khiếp. Ba mẹ em (dân tộc K’dong ở huyện Nam Trà My) đều đã qua đời trong một lần đốt cỏ làm sạch nương rẫy, bỏ lại đàn con 4 đứa nheo nhóc, Trọng là anh cả, em gái út khi ấy mới 1 tuổi. “1 tuần sau đám tang, chính quyền địa phương đưa 4 anh em Trọng đến Làng”, bà Võ Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Làng Hòa bình Quảng Nam bùi ngùi kể.
SAO LY