“Cường quốc dân số”!
Như vậy là nước ta đã có công dân thứ 90 triệu kể từ ngày 1.11. Xét về mặt quy mô với 90 triệu dân, nước ta là một cường quốc về dân số khi đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Nếu nói con người là vốn quý nhất thì với quy mô dân số như vậy, chúng ta đã là một quốc gia giàu có với nguồn vốn nhân lực cực kỳ lớn để phát triển đất nước.
Tuy nhiên, đông chưa hẳn đã mạnh. Nhất là trong thời đại ngày nay khi sự phát triển gắn liền với khoa học và công nghệ, gắn liền với tri thức và sự sáng tạo không ngừng thì cùng với số lượng chúng ta phải nâng cao chất lượng dân số thì mới thực sự trở thành cường quốc. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có sự đầu tư mạnh mẽ về giáo dục, phát triển khoa học, công nghệ để mỗi người dân Việt Nam có đủ thể lực và trí lực, có đủ sức cạnh tranh với nhân lực của các nước khác và đáp ứng những yêu cầu phát triển của đất nước trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.
Cách đây 6 năm, vào năm 2007 nước ta đã bước vào giai đoạn dân số vàng, tức là 2 người lao động mới có một người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi và người già trên 65 tuổi). Theo quy luật đã được xác lập, giai đoạn này sẽ diễn ra trong vòng 35 năm, nghĩa là chúng ta còn 29 năm ở trong giai đoạn dân số vàng. Đây là thời cơ lớn để chúng ta gia tăng tốc độ phát triển đất nước. Tuy nhiên, điều có tính chất quyết định là phải biến giai đoạn vàng này thành “vàng” thật sự, nghĩa là nhiều lao động nhưng chất lượng lao động phải nâng cao.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người biết đọc biết viết cao so với nhiều nước trên thế giới, nhưng tỉ lệ được đào tạo về chuyên môn nghề nghiệp lại rất thấp. Theo kết quả cuộc điều tra lao động và việc làm cách đây 2 năm thì tỉ lệ người lao động qua đào tạo còn rất thấp. Cụ thể, trong 51,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động mới chỉ có hơn 8 triệu người được đào tạo, chiếm 15,6% tổng lực lượng lao động. Điều đó có nghĩa là, tuy nguồn nhân lực của nước ta trẻ và dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật còn rất thấp. Số liệu điều tra cũng cho biết, tỉ lệ lao động được đào tao cao nhất là Hà Nội cũng chỉ đạt 30,7% và thấp nhất là Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 8,6%.
Vì chất lượng nguồn nhân lực thấp, chủ yếu là lao động giản đơn nên giá trị thặng dư từ lao động mang lại không nhiều. Kinh nghiệm các nước đều phát triển mạnh trong giai đoạn dân số vàng. Nếu không tận dụng được, chúng ta sẽ mãi chỉ là người đi sau. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho cường quốc dân số Việt Nam là phải xem việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là quốc sách hàng đầu thì mới có thể tận dụng giai đoạn dân số vàng để phát triển đất nước.
HẢI ÐĂNG