CPTPP và EVFTA tạo cơ hội lớn cho nông nghiệp
Ngày 26.6 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị “Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA)”.
Thu hoạch lúa tại ĐBSCL
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại quan trọng, với 16 FTA cả song phương và đa phương đã được ký kết. Trong số đó, nhiều FTA thế hệ mới với những đòi hỏi, yêu cầu chuẩn mực rất cao, tác động trực tiếp sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh của quốc gia, chính sách phát triển kinh tế - xã hội…
Trong tất cả các ngành sản xuất của Việt Nam có giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD thì nông nghiệp chiếm phần lớn. Dẫn chứng về sự thành công trong hội nhập của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, nông nghiệp đã vươn lên, có sự thay đổi vượt bậc trong năng lực sản xuất của doanh nghiệp, nông dân, từng bước tạo tiền đề quan trọng trong liên kết chuỗi. Với vị thế là nước đứng đầu trong các sản phẩm nông sản sản xuất và xuất khẩu (như cà phê đứng thứ 2, gạo đứng thứ 3, thủy sản đứng thứ 4 trên thế giới), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, không có giới hạn cho năng lực sản xuất nếu có thể tận dụng tối đa cơ hội về thị trường và có được điều kiện để tái cơ cấu, đưa công nghệ và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn, hữu cơ và gắn với việc hình thành phát triển các chuỗi giá trị. Các FTA chính là cơ hội để chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nhất là ngành nông nghiệp Việt Nam.
Còn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA không chỉ tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản mà còn nâng cao năng lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam vốn còn rất nhiều dư địa. Đối với EVFTA sắp được ký kết, Việt Nam sẽ cắt giảm 24% số dòng thuế nông sản cam kết về 0% ngay năm đầu và cắt giảm 99% sau 10 năm. Các nước châu Âu sẽ cắt giảm về 0% lần lượt năm đầu tiên và sau 10 năm là 74,6% và 97,3% số dòng thuế nông nghiệp cam kết. Còn đối với CPTPP, nông sản Việt Nam sẽ được xóa bỏ ngay 78%-95% số dòng thuế… Vì thế, phải tiếp tục kiên trì chủ động trong hội nhập, nhận diện rõ đâu là cơ hội và thách thức khi tham gia các FTA.
Theo VĂN PHÚC (SGGP)