Hương cúc bãng lãng
* Truyện ngắn của MỘC ANH
Như nhiều gã thanh niên ở thành phố này, buổi sáng của Huỳnh chỉ dành cho ngủ muộn, ăn sáng, cà phê, vài trò tiêu khiển nhẹ nhàng. Thời gian buổi chiều dành cho khóm cúc. Khóm cúc tất nhiên sẽ có hoa cúc, nhiều khóm, nhưng quan trọng hơn cả, ai cũng hay, đó là tên tiệm may gia truyền do người cha gây dựng nên, giờ thuộc thừa kế của Huỳnh.
Tiệm chuyên may âu phục nam giới, cũ kỹ, nếu không nói là khá xập xệ, nhưng đông khách. Từ những người lớn tuổi thích ăn mặc lịch sự đến thanh niên thời kỳ chuyển tiếp đến tiệm đặt đồ, cắt đo, ưng ý như duyên trời định. Huỳnh sống dư dả nhờ khóm cúc, và có lẽ nhờ cả một tình yêu chưa nói, nhẹ nhàng, vậy là đủ.
* * *
Dưới tán phượng vươn vai lên ban công tầng 2 của căn nhà cũ, mỗi lần Diệp vấp ngã, tìm đến, đã thấy anh như đang ngồi đợi. Cũng không có những lời an ủi, tay Huỳnh còn lem nhem những vệt phấn kẻ vải, những sợi vải mong manh, choàng lấy vai nhỏ của Diệp, túm lấy đuôi tóc, hôn một cái lên trán nói “Này! Sao không làm một điều gì đó có ích hơn việc cứ ngồi đây ủ ê thế này”. Diệp luôn tin rằng đó là một tình bạn trong trắng, thơ ngây. Bạn bè khác giới thì cũng cần ôm hôn, cần thể hiện tình cảm với nhau lắm chứ. Nhưng Diệp vẫn nhận thức được rằng tất cả mọi người cười vào mũi mình khi lời tuyên ngôn trên được thốt ra. Nên Diệp im lặng.
Ít ra Diệp cũng làm được một việc có ích là gầy những khóm cúc ở thẻo đất dọc theo chân tường mặt trước của tiệm may. Như vậy, những người đến cắt đo, chờ nhận đồ có thể ngửi thấy mùi hăng hắc của những khóm cúc nhà, và cái tên khóm cúc cũng trở nên có lý hơn. Cúc vàng lá xanh cứ thế nương theo đám thân tre chẻ nhỏ quây thành vòng tròn thành những khóm dịu dàng. Diệp chưng một tấm biển “Diep’s khomcuc” bên cạnh.
Khi Diệp còn ở đây, Huỳnh chẳng bao giờ ngó ngàng đến những khóm cúc. Có gì nổi bật ở chúng đâu, ngoài màu vàng ruộm hơn khi nắng lớn bất thường. Thành ra, Huỳnh chỉ mải mê với vải vóc và những bản jazz nấc cục, như Diệp vẫn phàn nàn.
Thế mà khi Diệp đi rồi, mỗi buổi sáng, Huỳnh lại cứ phải ngó qua những khóm cúc ít nhất một lần. Lá lên xanh rợp nhưng lại hơi ít nụ, có lẽ vì quá thừa thãi nước tưới. Có một lần, nhìn quanh quất không thấy ai, Huỳnh cúi xuống, quan sát thật kỹ từng cuống lá, nụ bông. Bỗng dưng Huỳnh nhớ tới Diệp.
Đã quá lâu rồi, ở nơi ấy, Diệp còn nhớ tới Huỳnh, tới cái xó xỉnh này nữa không? Dù những câu chuyện qua mạng vẫn tiếp diễn hằng ngày nhưng ai biết chắc rằng khi trở lại, Diệp có còn tha thiết với khóm cúc, có còn để Huỳnh hôn những cái hôn lên trán nữa hay không? Đã từ rất lâu rồi, Huỳnh đặt ra giả định rồi mai đây Diệp sẽ dẫn về một anh chàng người Mỹ cao lớn. Và biết đâu Diệp sẽ tới thăm bà ngoại Huỳnh. Bà cụ khó tính lắm. Bà không mấy ưa Diệp. Chính bà cũng tác động để Diệp xúc tiến việc đi Mỹ nhanh hơn. “Sao cháu lại cứ bám riết lấy thằng cháu của bà thế? Nó sẽ lấy con gái lành hiền. Còn cháu thì cũng sẽ tìm được một người phù hợp cái tính không giống ai của cháu thôi”. Lời bà như mũi kim chọc thẳng tim Diệp. Mặc cho Huỳnh phản ứng bà bằng cách chuyển hẳn ra khóm cúc ở, Diệp không từ bỏ chuyến đi.
Khi bố mẹ đề nghị Huỳnh cùng sang Mỹ định cư, là một cơ hội để gần Diệp, Huỳnh đã từ chối. Thực tâm Huỳnh đã chờ đợi ngày này lâu rồi. Bố mẹ cần có một khoảng không gian riêng. Là học trò, rồi gần 30 năm ở rể, phải dung hòa với mẹ vợ khó tính đã là một kỳ tích của bố. 80 tuổi, bà ngoại vẫn tinh lắm. “Mẹ biết mẹ con con hồ ly tinh ở không cách xa chỗ vợ chồng con bao nhiêu đâu”, bà thậm thụt với mẹ cái hôm liên hoan chia tay. “Mẹ đừng như vậy nữa. Chồng con như thế nào, con biết chứ!”. Lần đầu tiên trong đời, Huỳnh thấy mẹ quyết liệt rõ ràng dữ dội với bà ngoại như vậy. Bố mẹ đi rồi, Huỳnh đến thăm, bà chì chiết “Mẹ mày khờ lắm. Sắc thì kém đẹp hơn. Thủ đoạn cũng không khôn khéo bằng con Linh. Năm xưa, thiếu chút nữa thì bố mày bị cám dỗ, may nhờ còn có tao con ạ!”.
Bằng linh cảm, Huỳnh biết giữa bố và cô Linh không có điều gì khuất tất. “Họ là hai người bạn thân, rất thân. Không thể suy bụng ta ra bụng người rồi đoán định thế này thế nọ. Mẹ tin bố”, mẹ từng đáp lại thắc mắc của Huỳnh về mối quan hệ giữa bố mà mẹ Diệp hết sức nhẹ nhàng như thế.
Vắng dần những cuộc trò chuyện trên mạng với Diệp, nhưng mẹ mới là người thông báo với Huỳnh về nguyên do. Cô Linh bị đau nặng, Diệp đã nghỉ học, tối ngày túc trực ở bệnh viện. “Bố mẹ có ghé thăm. Cô Linh yếu lắm. Diệp nó buồn nhiều. Nó ốm lắm, không còn tròn trịa như trước đâu”, mẹ kể với Huỳnh. Lúc bấy giờ, những chiếc váy Huỳnh may riêng cho cô gái ấy đã treo kín tủ. Huỳnh đi ra nhìn mấy khóm cúc leo, cũng gầy guộc như vậy hả Diệp. Vò mấy chiếc lá trong tay, Huỳnh ngước mặt nhìn bầu trời giữa mùa thu rồi gọi điện tới phòng vé máy bay quốc tế.
Không ngờ ngày trở lại, Huỳnh và Diệp mang theo lọ tro cốt của cô Linh về nước. Đón ở sân bay là vài người thân, cả bà ngoại Huỳnh và một người đàn ông lạ mặt. Sau thủ tục tang lễ gửi lại tro cốt mẹ Diệp cho nhà chùa trông nom, có mặt cả người đàn ông lạ mặt, bà ngoại gọi Huỳnh về nói chuyện. “Ông ấy là bố ruột con Diệp, cũng là học trò cũ của bà. Làm to lắm, tiền bạc không thiếu, con bé sẽ tiếp tục được chu cấp để ăn học bên ấy. Ông ấy cũng ngỏ lời muốn giúp con theo học một chương trình cao cấp để phụ trách công việc làm ăn xuyên quốc gia và tác thành cho hai đứa. Ăn đời ở kiếp với khóm cúc không khá được đâu. Con nên nghĩ tới cái thân già này và làm nở mày nở mặt bố mẹ”.
Biết là bất nhã nhưng Huỳnh không đáp lại lời bà. Mang một nắm cúc của tiệm may, Huỳnh đi tìm Diệp. “Nếu không quay lại Mỹ, Diệp biết ở đâu. Nhà đã bán rồi, và Diệp cũng không muốn liên quan gì đến tiền bạc của ông ấy”, Diệp quay mặt đi. Huỳnh nắm lấy bờ vai gầy của Diệp “Diệp có muốn tới thăm khóm cúc không? Ban công tầng 2 vẫn hằng nhớ Diệp đấy”.
Khi Huỳnh pha hai cà phê sữa mang lên, đã thấy Diệp ngồi bệt trên sàn nhà, nơi những tia nắng buổi chiều chiếu xiên qua song cửa. Gương mặt nhìn nghiêng tái đi, Diệp vờ điềm tĩnh “Vậy ra khóm cúc đã có một người phụ nữ. Thứ lỗi cho Diệp đã tò mò về tủ quần áo. Những chiếc váy tuyệt vời, ắt hẳn dành cho một phụ nữ đẹp”.
Huỳnh ngồi bệt xuống, tay vẫn lem nhem những vệt phấn kẻ vải, những sợi vải mong manh, quàng qua vai cô gái đang buồn “Tất cả, khóm cúc, tủ quần áo cho cô gái mập mạp và cả trái tim này đều luôn đứng yên một chỗ để chờ đợi một người, là Diệp, biết không? Chúng ta quyết định đừng đi đâu cả, hãy ở lại đây, đừng bỏ rơi khóm cúc!”. Nhào vào lòng gã thợ may của khóm cúc, Diệp hít hà mùi hăng hắc của những khóm cúc nhà. Bấy giờ là mùa thu, cúc thơm thơm bãng lãng…
M.A