Nâng niu mái ấm gia đình
Chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam (28.6) năm nay là “Gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” như nhắc nhở mỗi chúng ta về thái độ, hành vi, trách nhiệm xây đắp, gìn giữ nếp nhà, nhất là trong bối cảnh mặt trái của xã hội hiện đại đang hàng ngày tác động đến mỗi người, mỗi gia đình.
Có thể nói, văn hóa ứng xử trong gia đình là nét đẹp truyền thống, tài sản tinh thần của gia đình Việt Nam, được dày công xây đắp, gìn giữ từ bao đời nay. Đó đồng thời còn là “cẩm nang” cho mỗi người trong quá trình chung sống, xây dựng gia đình mình. Văn hóa ứng xử ấy được hiểu giản dị là vợ chồng yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, con cháu kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, anh chị em thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, là kính trên nhường dưới, sống có trách nhiệm, là thái độ vị tha, bao dung, là đạo lý hướng về cội nguồn, tổ tiên… Tất cả biểu hiện phong phú gắn với từng mối quan hệ, giữa các thành viên trong gia đình.
Khung cảnh vui vầy, hòa thuận ở gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Thu (xã Phước An, huyện Tuy Phước).
Tại Hội nghị biểu dương gia đình hạnh phúc tiêu biểu năm 2019 do Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức nhằm chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam 28.6, người viết cảm nhận được sự bình yên, gắn kết, vui vầy trong gia đình 3 thế hệ của chị Nguyễn Thị Hồng Thu ở xã Phước An, huyện Tuy Phước.
Trong lòng bà Nguyễn Thị Cẩm Đào, mẹ chồng chị Thu, tình thương ban đầu bà dành cho con dâu đến từ hoàn cảnh của chị là cha mẹ ruột đều mất sớm. Phận đàn bà, không có mẹ ruột chăm sóc lúc sinh đẻ, bảo ban khi vợ chồng “cơm không lành canh không ngọt”, thiệt thòi, tủi thân lắm. Vậy là bà thương gấp đôi, bù đắp phần nào. Tương tự, với chị Thu, không còn ba mẹ ruột, mọi hiếu thảo chị đều hướng về cha mẹ chồng. Xuất phát điểm ban đầu là thế, nhưng nền tảng hòa thuận, hạnh phúc ở gia đình họ vẫn là tình cảm lớn dần qua quá trình chung sống.
“Trong quan hệ giữa cha mẹ và con dâu, con rể hay đối với phía vợ, phía chồng, dân gian hay nói đến chuyện “giữ kẽ”, bằng mặt không bằng lòng, tuy nhiên quan điểm gia đình tui không tán thành cách nghĩ, lối ứng xử đó. Chúng tôi luôn tạo cơ hội để hiểu nhau, khuyến khích chân thành, thẳng thắn với nhau, tuyệt đối không để bụng. Nhờ vậy mà trên dưới hiểu nhau, gần nhau. Có thoải mái, thân thuộc thì mới sống chung nhiều thế hệ được”, bà Đào tâm sự.
Chị Đinh Thị Thanh Thanh (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) cùng mẹ chồng trong một lần nhận bằng tri ân vì những đóng góp cho hoạt động từ thiện.
Ngoài cha mẹ chồng, còn có một người cô chồng không lập gia đình, cũng chọn ở với vợ chồng chị Thu.
Một điểm đáng ghi nhận ở những gia đình tiêu biểu là ý thức về trách nhiệm xã hội. Như gia đình chị Đinh Thị Thanh Thanh ở thị trấn Ngô Mây, Phù Cát - 1 trong 5 gia đình nhận bằng khen của UBND tỉnh tại hội nghị trên. Không chỉ đồng ý, ủng hộ vợ chồng con trai làm từ thiện, cụ bà Nguyễn Thị Hương còn bảo con dâu đưa mình đến tham gia một số hoạt động ở địa phương. Chị Thanh chia sẻ: “Cũng có người thắc mắc, về làm dâu thừa hưởng nền tảng kinh tế từ cha mẹ chồng, chồng là trụ cột kinh tế gia đình, vợ lại tích cực hoạt động từ thiện, mẹ chồng có khó chịu không? Nhưng người ta không biết đấy thôi, mẹ khiến tôi ấm áp lắm, vì bà lúc nào cũng quan niệm “của chồng, công vợ”. Hai mẹ con còn gặp nhau ở lòng trắc ẩn trước những cảnh đời không may. Tôi luôn coi mẹ là người thầy trong đời”.
Đại diện gia đình tiêu biểu và cán bộ làm công tác phụ nữ cơ sở chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc tại Hội nghị biểu dương gia đình hạnh phúc tiêu biểu.
40 gia đình hạnh phúc tiêu biểu trong toàn tỉnh được biểu dương tại hội nghị trên, mỗi điển hình lại có “bí quyết” riêng trong xây dựng hạnh phúc gia đình. Song tất cả đều có điểm chung - đó là nhận thức sâu sắc và luôn quan tâm bồi đắp văn hóa ứng xử trong gia đình. Dưới mỗi nếp nhà, cách nói “văn hóa ứng xử trong gia đình” nghe có vẻ to tát, kỳ thực điều đó ở một số gia đình được biểu hiện gần gũi, giản dị ở sự thấu hiểu và thương yêu nhau, vì nhau.
Tham dự hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn đã có những chia sẻ tâm huyết và chỉ đạo cụ thể về công tác gia đình. Gia đình là nơi hình thành nhân cách, vun đắp những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Văn hóa ứng xử trong gia đình là tiền đề của nền nếp gia đình. Một gia đình hòa thuận, hạnh phúc, có kỷ cương, nền nếp gia phong chính là môi trường tốt để phát triển con người, thúc đẩy xã hội phát triển. “Trước tác động của mặt trái của cơ chế thị trường, thời đại công nghệ và hội nhập quốc tế, một số vấn đề tiêu cực đang len lỏi vào gia đình truyền thống Việt Nam, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của xã hội. Do vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về tầm quan trọng của gia đình, xem mỗi ngày trong năm đều là Ngày Gia đình Việt Nam”, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.
SAO LY