Ðảm bảo an toàn cho người dân vùng thiên tai
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư, đảm bảo nơi ở cho các hộ dân sinh sống ở những vùng thường xuyên bị ngập lụt, triều cường, sạt lở đất, ngành chức năng và chính quyền các cấp cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, diễn tập nhằm nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho người dân.
Nhiều hộ dân ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) sinh sống sát biển thường xuyên bị triều cường đe dọa đã di dời đến khu tái định cư.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang tại khu tái định cư (KTĐC) vùng thiên tai xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, ông Trần Văn Hòa chia sẻ: “Gia đình tôi sống ở thôn Hải Đông, nhà sát mép biển. Vào mùa mưa lũ, cả nhà luôn thấp thỏm lo âu trước những đợt sóng dữ, nước biển dâng cao tràn vào nhà. Năm 2018, được chính quyền địa phương cấp 99 m2 đất tại KTĐC và hỗ trợ 20 triệu đồng, tôi đã vay mượn thêm tiền để xây dựng nhà ở. Bây giờ nhà cửa vững chắc, đường giao thông, điện lưới, nước sạch đầy đủ, tôi yên tâm sinh sống, lao động”.
Sinh sống ven đê Đông, đến mùa mưa lũ, gia đình ông Phan Thanh Tùng, ở xã Phước Thuận cũng thường bị nước lũ đe dọa, nên khi Nhà nước đầu tư KTĐC Đồng Sam tại địa phương và vận động các hộ dân nằm trong vùng thường xuyên bị ngập di dời đến, ông Tùng hưởng ứng ngay. “Hơn 2 năm sống ở KTĐC, tôi không còn phải nơm nớp lo sợ cảnh chạy lũ; tinh thần thoải mái, công việc làm thuận lợi, nên kinh tế ngày càng phát triển. KTĐC cũng không xa trung tâm xã nên việc học hành của các cháu cũng đỡ vất vả hơn trước”, ông Tùng bộc bạch.
Theo ngành chức năng của tỉnh, để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ở những vùng có nguy cơ thiên tai cao, từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã quy hoạch đất, đầu tư xây dựng 16 KTĐC tại các huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, An Lão, Vân Canh, Hoài Ân, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn, bố trí cho 2.145 hộ dân sinh sống ở những nơi thường xuyên bị ngập lụt, triều cường, sạt lở đất… đến xây nhà ở.
Ngành chức năng của tỉnh và TX An Nhơn tập huấn, hướng dẫn các y bác sĩ Trạm Y tế xã Nhơn Phúc sơ cứu người dân bị nạn trong lũ.
“Ngoài việc được xét cấp đất để xây nhà, hộ tái định cư còn được hỗ trợ di dời mức 20 triệu đồng/hộ; ngành chức năng và chính quyền các địa phương cũng đã nhanh chóng làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ vốn vay, cấp đất sản xuất, hỗ trợ các loại cây, con giống… để người dân sản xuất, chăn nuôi, làm ăn sinh sống. Nhờ vậy, đời sống của người dân tại các KTĐC khá ổn định”, ông Đặng Văn Cút, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho hay.
Ngoài việc di dời các hộ dân sinh sống ở những vùng có nguy cơ thiên tai cao đến ở tại các KTĐC đã xây dựng, tỉnh ta còn tranh thủ nguồn vốn của các chương trình dự án để nâng cấp nhiều đoạn đê sông Côn, xây dựng 6 nhà tránh trú bão và tổ chức tập huấn kỹ năng quản lý rủi ro thiên tai, diễn tập công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), chằng chống nhà cửa, sơ tán di dời dân, cho chính quyền địa phương và người dân.
Có thể nói, việc đảm bảo an toàn cho người dân đã và đang được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, thiên tai, bão lũ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì vậy cần tiếp tục nâng cao cảnh giác và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ngày 26.6, trao đổi với phóng viên Báo Bình Định về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: Đảm bảo an toàn cho người dân vùng thiên tai là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Vì vậy, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN; xây dựng và triển khai phương án PCTT&TKCN năm 2019 cụ thể, sát với tình hình thực tế. Tranh thủ thời tiết thuận lợi vận động người dân sinh sống ở những vùng có nguy cơ thiên tai cao đến xây nhà ở tại các KTĐC đã xây dựng. Mặt khác, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực PCTT&TKCN cho cộng đồng dân cư và chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, lương thực, thuốc y tế... tại chỗ, sẵn sàng khi có lệnh.
PHẠM TIẾN SỸ