“Mắc kẹt” với quy định thợ máy tàu cá
Theo Thông tư 22/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT có hiệu lực từ ngày 1.1.2019, quy định về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản, nhóm tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải có 1 - 2 thợ máy. Thợ máy là người phụ trách máy chính, máy phát điện, hệ thống trục chân vịt, các thiết bị điện, điện lạnh và các máy móc, thiết bị khác của tàu; sửa chữa những hư hỏng đột xuất, bảo dưỡng định kỳ đối với các máy móc, thiết bị, dự tính trước tình huống xấu có thể xảy ra để đề xuất với máy trưởng những biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời… đảm bảo các máy móc hoạt động đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình.
Ngư dân Hoài Nhơn kiểm tra máy chính và máy phát điện trên tàu để chuẩn bị ra khơi.
Ngư dân Trương Văn Thành, ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 91015 TS, có chiều dài 19,5 m, cho biết: “Nếu căn đúng theo quy định này, nhiều tàu đánh bắt xa bờ đành phải đậu bến, bởi lâu nay chưa cơ quan nào tổ chức đào tạo, cấp loại chứng chỉ này! Tôi nghĩ, Nhà nước mở lớp đào tạo cho ngư dân đi đã rồi hãy quy định”.
Ông Thành không phải là ngư dân duy nhất ở tỉnh ta “mắc kẹt” với quy định về thợ máy tàu cá. Bởi cho đến nay, các ngành chức năng chỉ mới tổ chức đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, chưa từng có lớp đào tạo thợ máy. Nếu nghiêm túc thực hiện theo quy định trên, gần như toàn bộ tàu cá có chiều dài 15 m trở lên ở tỉnh ta không đủ điều kiện để ra khơi!
Rất nhiều ngư dân cho biết, chủ tàu cá bây giờ rất khó để tìm “bạn” thuyền. Nghề cá hiện đại đòi hỏi phải dần chuyên nghiệp, nhưng những thay đổi kiểu như “quy định thợ máy tàu cá” cần phải có lộ trình chứ áp dụng ngay sau khi ban hành ít tháng thì không mấy chủ tàu đáp ứng kịp. Ngư dân Võ Văn Toàn, ở xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 98239 TS, bộc bạch: “Nhờ tôi có con trai đi biển nên tôi cho nó đi học chứng chỉ thợ máy. Nhưng các chủ tàu không có người thân đi biển thì rất khó kiếm người đủ tin cậy để đầu tư cho đi học vì ràng buộc ở mình lỏng lẻo lắm, chủ yếu là tin nhau. Ngay cả khi được đào tạo, thì người có chứng chỉ phần lớn cũng chỉ có lý thuyết căn bản thôi, trừ trường hợp anh có nghề rồi, nay đi học để hợp thức!”.
Đem những băn khoăn của ngư dân ra trao đổi, ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Luật quy định thì ngư dân sẽ phải thực hiện, song đây là quy định mới nên hiện tại chưa áp dụng triệt để, khi nào Bộ NN&PTNT đưa ra chương trình, khung đào tạo thợ máy tàu cá thì ngành Thủy sản tỉnh sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo để mở lớp cấp chứng chỉ thợ máy cho ngư dân.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN