“Thi cử” là gì?
Khi được hỏi câu hỏi trên, không ít người đã trả lời rằng “đi thi phải kiêng cữ nên gọi là… thi cử”. Dĩ nhiên, đây là cách nói vui, vì ai cũng biết “cử” và “cữ” là hai từ hoàn toàn khác nhau và hai từ “thi cử”, “kiêng cữ” về mặt ngữ nghĩa cũng chẳng liên quan gì với nhau.
“Thi cử” là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, “thi” bắt nguồn từ chữ “thí” (bộ ngôn) trong tiếng Hán, có nghĩa là “so tài nghệ để xem hơn kém”. Trong tiếng Việt, ta còn gặp một số từ có yếu tố “thí” này như: khảo thí, thí sinh, tỉ thí (từ cũ)…
Còn “cử” bắt nguồn từ chữ “cử” (bộ cửu) trong Hán văn, có nhiều nghĩa, trong đó có các nét nghĩa “bầu ra, tuyển chọn, đi thi”. Trong tiếng Việt, yếu tố “cử” với nghĩa “đi thi” vẫn còn được lưu giữ trong một số từ, chủ yếu là từ cũ, chẳng hạn: cử tử, cử nghiệp, khoa cử…
Như vậy, “thi” và “cử” là hai yếu tố cùng từ loại (động từ) và gần gũi về nghĩa. Do đó, chúng có thể kết hợp với nhau để tạo thành từ “thi cử” được dùng phổ biến trong tiếng Việt hiện nay. Thông thường, khi hai yếu tố kết hợp với nhau để tạo thành một tổ hợp đẳng lập, nghĩa của tổ hợp mới sẽ mang tính khái quát cao hơn so với nghĩa của từng thành tố. “Thi cử” là một trường hợp như vậy. Cho nên, Từ điển tiếng Việt mới định nghĩa từ này là “thi ra trường, vào trường hay để nhận bằng cấp, học vị (nói khái quát)” (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.920). Vì “thi cử” mang nghĩa khái quát nên không thể nói “các em học sinh đang thi cử môn Toán”. Với nghĩa cụ thể như vậy, ta phải dùng từ “thi”.
Thi cử để đánh giá đúng năng lực người học là công việc quan trọng của ngành giáo dục.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ