Khai thác thủy sản trái phép bị phạt tới 2 tỷ đồng
Nghị định số 42/2019/NÐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản chính thức có hiệu lực từ ngày 5.7.2019. PV Báo Bình Ðịnh phỏng vấn ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) về những điểm mới của Nghị định này.
* Ngày 16.5.2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 42 thay thế Nghị định 103 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Xin ông cho biết những quy định mới về hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản?
- Nghị định 42 gồm 4 chương, 58 điều, tăng 12 điều so với Nghị định 103. Về cơ bản Nghị định 42 kế thừa các quy định tại Nghị định 103 và quy định các hành vi mới phù hợp với Luật Thủy sản năm 2017; đồng thời, quy định các hành vi vi phạm quy định về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Nghị định 42 quy định mức phạt tiền một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với cá nhân tối đa 1 tỷ đồng (tăng gấp 10 lần so với Nghị định 103) và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Mức phạt từng hành vi vi phạm sử dụng tàu cá khai thác thủy sản được phân biệt theo chiều dài lớn nhất của tàu cá (Nghị định 103 quy định theo công suất tàu cá). Nghị định 42 cũng quy định chi tiết các hành vi khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; vi phạm về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; vi phạm quy định về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá; vi phạm quy định về quản lý cảng cá.
* Ngày 23.10.2017, EC đã cảnh báo đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu vì Việt Nam thực hiện chưa tốt quy định về IUU. Như vậy, Nghị định 42 này sẽ góp phần giải quyết những khuyến nghị của Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu về chống khai thác IUU?
- Đúng vậy! Nghị định 42 với chế tài mạnh sẽ góp phần giải quyết căn cơ về chống khai thác IUU. Bởi, các hành vi vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp sẽ bị xử phạt tiền rất cao và kèm theo các hình thức phạt bổ sung rất nghiêm khắc. Tôi ví dụ như: Hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn, hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn thì phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Nghị định 42 quy định mức phạt từng hành vi vi phạm căn cứ theo chiều dài lớn nhất của tàu cá thay vì theo công suất tàu cá như Nghị định 103.
Hoặc, hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam sẽ bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng... Ngoài ra, tùy theo tính chất mức độ của từng hành vi vi phạm còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu thủy sản khai thác, thủy sản chuyển tải trái phép, tịch thu tàu cá đối với hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản có thời hạn…
* Vừa qua, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh công bố hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản nhằm đảm bảo khai thác thủy sản bền vững, Nghị định 42 quy định những hành vi nào nhằm bảo đảm việc khai thác không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, thưa ông?
- Để thực thi Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn nhằm góp phần khai thác thủy sản bền vững, Nghị định 42 quy định chi tiết các mức xử phạt các hành vi sử dụng tàu cá khai thác thủy sản không có giấy phép như đã nêu trên. Ngoài ra, Nghị định còn quy định: hành vi sử dụng tàu cá khai thác thủy sản không đúng nghề, không đúng vùng khai thác ghi trong giấy phép hoạt động sẽ bị phạt tiền đến 40 triệu đồng; hành vi khai thác thủy sản vượt lên hạn ngạch sản lượng cho phép khai thác bị phạt tiền đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn áp dụng hình thức phạt bổ sung như tịch thu sản lượng khai thác vượt quá hạn ngạch khai thác; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản, văn bằng chứng chỉ thuyền trưởng có thời hạn đến 12 tháng,…
* Hiện nay, trong tỉnh đang tồn tại tình trạng sử dụng xung điện, xiếc máy, chất nổ, chất độc khai thác thủy sản, Nghị định 42 quy định xử phạt đối với những hành vi này như thế nào. Ông có điều gì nhắn gửi với các tổ chức, cá nhân trong tỉnh khi tham gia khai thác thủy sản?
- Nghị định 42 quy định đối với các hành vi sử dụng xung điện, xiếc máy, phạt tiền đến 40 triệu đồng, tăng nhiều lần so với Nghị định 103; vi phạm quy định về tàng trữ, sử dụng chất cấm, hóa chất cấm, chất độc để khai thác thủy sản phạt tiền đến 70 triệu đồng; đối với vi phạm sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với mục tiêu phát triển thủy sản bền vững và có trách nhiệm, tôi đề nghị các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, đặt biệt là bà con ngư dân khi tham gia khai thác thủy sản cần chấp hành đúng các quy định của pháp luật thủy sản để trách bị các cơ quan chức năng xử phạt. Cụ thể, tàu cá trước khi hoạt động khai thác phải được đăng ký, đăng kiểm theo quy định; khi hoạt động khai thác phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định, hoạt động đúng vùng khai thác; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và duy trì hoạt động thiết bị này khi khai thác; ghi nhật ký khai thác, báo cáo sản lượng khai thác và nộp nhật ký theo quy định; chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (thực hiện)