Giám sát chặt công tác chấm thi
Hôm nay 28.6, các cụm thi sẽ tiến hành làm phách để tiến hành chấm thi. Trong đó, môn Ngữ văn chấm tự luận sẽ do các sở GD-ĐT chủ trì toàn bộ. Các bài thi trắc nghiệm gồm Ngoại ngữ, bài thi khoa học tự nhiên (Vật lý - Hóa học - Sinh học) và bài thi khoa học xã hội (Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân) sẽ do các trường ĐH chủ trì chấm thi.
Chiều 27.6, các cụm thi trên cả nước đã tiến hành vận chuyển bài thi về trung tâm chấm thi để tiến hành làm phách và chấm thi bắt đầu từ ngày 28.6.
Tại TPHCM, sau khi kết thúc thời gian làm bài môn thi cuối cùng, khoảng 12 giờ 30 ngày 27.6, tất cả bài thi đã được chuyển về hội đồng chấm. Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm nay, tại tất cả phòng chấm đều có ít nhất 3 camera giám sát, đảm bảo quan sát tất cả góc của phòng chấm thi. Đối với các môn thi trắc nghiệm, năm nay công tác chấm sẽ do 3 trường đại học thuộc ĐHQG TPHCM phụ trách. Các túi bài thi trắc nghiệm khi được bàn giao cho các tổ chấm đều còn nguyên niêm phong.
Riêng môn tự luận, dự kiến thời gian chấm bài sẽ diễn ra trong 5 ngày, bắt đầu từ ngày 30.6 và kết thúc vào ngày 4.7, công bố kết quả vào ngày 12.7. Năm nay, TPHCM huy động hơn 2.000 cán bộ tham gia công tác chấm thi, trong đó tổ chấm tự luận gồm 700 người (620 cán bộ tham gia chấm trực tiếp và 80 cán bộ thực hiện công tác kiểm tra, so dò).
Theo ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh năm nay có 19 hội đồng thi, hơn 11.000 thí sinh dự thi. Tất cả bài thi đều được tập trung chấm tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Tại đây, phòng chấm trắc nghiệm và chấm tự luận được bố trí hoàn toàn riêng biệt.
Bài thi của 76 thí sinh ở huyện Côn Đảo sẽ được vận chuyển bằng máy bay có công an áp tải về hội đồng chấm thi. Môn tự luận (môn Ngữ văn) có gần 11.000 bài và huy động hơn 120 cán bộ chấm. Các bài thi trắc nghiệm đều do Trường ĐH Công nghệ TPHCM chủ trì chấm và Sở GD-ĐT không có người tham gia chấm.
Bà Trương Thị Kim Huệ, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, cho biết sở có gần 27.000 bài thi môn Ngữ văn và 130 giáo viên chấm thi. Trường đại học không tham gia chấm thi mà tham gia giám sát. Tỉnh đã chi hơn 1 tỷ đồng để gắn camera giám sát trong và ngoài tại khu vực chấm thi. Bên cạnh đó, ban chỉ đạo cũng tiến hành phá sóng điện thoại xung quanh khu vực chấm thi. Về chấm trắc nghiệm, sở chuẩn bị 6 máy quét ảnh tốc độ cao và 5 máy tính, 2 máy in, đáp ứng nhu cầu chuyển phiếu làm bài trắc nghiệm sang dạng ảnh trước khi chấm, chuyển ảnh bài làm sang dạng text.
Ông Nguyễn Thanh Tiệp, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An, cho biết công tác chấm môn tự luận bắt đầu từ ngày 28.6. Phần chấm trắc nghiệm sẽ do Trường ĐH Sư phạm TPHCM chủ trì với 14 người tham gia chấm. Để phục vụ cho công tác chấm trắc nghiệm, sở đã đầu tư mua sắm 3 máy vi tính, 4 máy quét bài thi trắc nghiệm, 1 máy in.
Ngày 28.6, bắt đầu việc chấm thi. Ngày 13.7, hạn cuối các tỉnh gửi kết quả dữ liệu điểm về bộ để bộ phân tích phổ điểm, đánh giá kết quả. Theo kế hoạch, ngày 14.7, bộ chính thức công bố kết quả thi và phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Về công tác chấm thi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết quy trình, quy chế cùng giải pháp kỹ thuật đã được tăng cường cho công tác chấm thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, những tiêu cực từ chấm thi của năm 2018 là bài học mà ban chỉ đạo thi của các cụm thi cũng như những cán bộ tham gia chấm thi phải đặc biệt lưu ý. Cho dù thiết bị tiên tiến đến đâu nhưng nếu con người cố tình vi phạm thì cũng khó kiểm soát. Năm nay, Bộ GD-ĐT rất lưu ý về thanh tra. Thanh tra cắm chốt được tập huấn rất kỹ, không được vin vào lý do cá nhân bỏ nhiệm sở.
“Năm nay, bộ cũng đề nghị cử tri, Ủy ban MTTQ Việt Nam, truyền thông giám sát. Đặc biệt, trong quá trình chấm thi, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh tình hình chấm thi 24/24 giờ. Nếu có bất thường, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành xử lý ngay”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Theo SGGP