Bún Song Thằn An Thái: Cội nguồn hương vị truyền thống
Thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn nằm bên dòng sông Côn với bãi cát dài và trải rộng, nhiều nắng và gió rất thuận lợi cho nghề làm bún Song Thằn. Ra đời từ rất lâu và đến nay các hộ dân nơi đây vẫn tiếp tục duy trì nghề này với mong muốn giữ được hương vị của sản phẩm truyền thống cha ông cho con cháu đời sau.
Dù trải qua nhiều thế hệ nhưng phương cách sản xuất vẫn không thay đổi, hầu hết các công đoạn đều được làm bằng tay với nguyên liệu chính vẫn là đậu xanh nguyên chất. Bún Song Thằn mang nét rất riêng với sợi bún dai, trắng óng ánh và chất lượng dinh dưỡng rất cao.
Cơ sở sản xuất bún Song Thằn Hưng Đắt - Lý Thị Hương ở thôn An Thái đến nay đã trải qua 5 thế hệ, bà Tạ Thị Đắt, chủ cơ sở cho biết, ngoài sử dụng nguồn nước nơi đây thì công đoạn chế biến đậu xanh cũng là yếu tố quyết định đến chất lượng sản phẩm.
“Đậu xanh phải chọn hạt ngon, sau đó ngâm, đãi thật sạch vỏ rồi đem xay, lượt để lấy tinh bột đậu xanh”, bà Đắt cho biết thêm.
Sợi bún hiện nay tuy có khác đôi chút so với lúc trước nhưng hương vị thì vẫn không thay đổi.
Bà Tạ Thị Đắt cho biết, thời phong kiến, sợi bún được rê thành 2 sợi song song khi phơi nên có tên gọi là Song Thằn, còn hiện nay do sợi bún nhỏ nên số sợi bún nhiều hơn.
Mặc dù là sản phẩm rất nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng và có giá bán khá cao (khoảng 180.000/kg), nhưng hiện nay tại thôn An Thái chỉ có 4 hộ sản xuất, nguyên nhân là do loại bún này không làm được quanh năm, chỉ khi trời nắng và có gió nhẹ, đem bún ra phơi mới thu được chất lượng tốt nhất, vì thế thời gian sản xuất cao điểm rơi vào từ tháng 3 đến tháng 5.
Hiện nay, bún Song Thằn có mặt ở khắp các tỉnh thành trong nước nhưng tiêu thụ mạnh nhất vẫn là thị trường trong tỉnh, TP.HCM và Hà Nội.
Để có thể quảng bá rộng rãi sản phẩm truyền thống này, những cơ sở sản xuất đã phối hợp với các đơn vị trong tỉnh đưa nhiều đoàn khách về trực tiếp tham quan, nhằm có những trải nghiệm thú vị về sản phẩm này. Anh Võ Thành Sơn - thôn An Thái, xã Nhơn Phúc cho biết, hàng năm Tỉnh đoàn đều tổ chức cho các em học sinh về đây để tận tay làm các công đoạn và thưởng thức bún tại cơ sở để các em có thể cảm nhận và hiểu rõ hơn về sản phẩm, thông qua đó các em sẽ là một trong những cầu nối đưa sản phẩm bún Song Thằn đến gần hơn với nhiều người tiêu dùng.
Nghề làm bún Song Thằn đã mang lại nét đặc trưng của vùng đất An Thái, góp phần tạo việc làm cho người dân, đồng thời làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của thị xã An Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung.
PHAN TUẤN (thực hiện)