Hoạt động sản xuất công nghiệp: Nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ
6 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 21.446 tỷ đồng, tăng 9,33% so với cùng kỳ năm 2018, tuy nhiên, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 190 DN phải tạm ngừng hoạt động (tăng 17,3% so với cùng kỳ) và 27 DN giải thể (tăng 35%). Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều DN gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao, nguồn tài chính không đảm bảo.
Chế biến gỗ và lâm sản là ngành sản xuất công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, rất cần được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển bền vững.
- Trong ảnh: Một góc phân xưởng sản xuất của Doanh nghiệp tư nhân Gia Hân.
Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (FPA Bình Định), trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số tồn kho của ngành tăng 24,18%, đây là chỉ số tồn kho cao. Các DN trong ngành còn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc do hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp thiếu đồng bộ khiến sản xuất thiếu ổn định; giá cước các dịch vụ cảng biển, hậu cần ở Cảng Quy Nhơn thay đổi nhiều; việc kiểm tra của cơ quan chức năng đối với các DN chế biến gỗ và lâm sản còn chồng chéo.
Tương tự, ông Phạm Văn Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Khai thác & Chế biến đá Bình Định, thời gian qua, các DN đang gặp khó khăn về địa điểm xử lý chất thải bột đá; việc san gạt mặt bằng tuyến đường để phục vụ cho xe có trọng tải trên 15 tấn lưu thông tại khu Long Mỹ chưa được thực hiện, gây khó khăn cho DN; chi phí đối với mặt hàng đá tại Cảng Quy Nhơn chưa hợp lý; các quy định, thủ tục về thuế và hải quan còn nhiều bất cập…
Ngoài ra, nhiều DN lớn trên địa bàn gặp khó khăn giá điện, giá nước phục vụ sản xuất tăng cao, thiếu nguyên liệu, dịch bệnh, thời tiết, môi trường biến động lớn, đơn cử là: Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội Bình Định, Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài, Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn.
Làm gì để giúp các DN trên địa bàn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển? Theo ông Lê Minh Thiện, các sở, ngành, cơ quan chức năng cần quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, cụm liên kết ngành, nhất là các dự án, công trình cấp - thoát nước, xử lý nước thải, chiếu sáng; hỗ trợ đào tạo nghề cho ngành chế biến gỗ và lâm sản; hỗ trợ DN ngành chế biến gỗ và lâm sản tiếp cận vốn vay ưu đãi, áp dụng mức lãi suất ưu đãi, tăng hạn mức tín dụng cho đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ mới; hạn chế việc thanh tra, kiểm tra chồng chéo nhiều lần tại DN…
Các ý kiến, kiến nghị của các DN trên địa bàn đã được Sở Công Thương ghi nhận và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Ông Võ Mai Hưng, Phó giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Sở đã tiến hành phân tích, nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN… Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành phải có kế hoạch, giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ngành cần xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển thương hiệu gỗ Bình Định”, “Phát triển thương hiệu đá Bình Định”; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, UBND tỉnh lưu ý: Không thu hút đầu tư đối với các DN sản xuất kinh doanh ở ngoài khu, cụm công nghiệp…
VIẾT HIỀN