Bàn giải pháp đảm bảo trật tự ATGT: Nâng cao ý thức, xử lý bất cập hạ tầng
Ý thức tuân thủ pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông kém và hạ tầng giao thông không đạt chuẩn là 2 yếu tố then chốt ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Buổi làm việc giữa Ban ATGT tỉnh với các huyện phía Bắc tỉnh gồm Hoài Nhơn, An Lão, Hoài Ân và Phù Mỹ về công tác đảm bảo trật tự ATGT ngày 26.6 vừa qua đã tập trung vào 2 vấn đề này.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, từ đầu năm đến nay TNGT trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 91 vụ TNGT, làm chết 67 người và bị thương 61 người, so cùng kỳ giảm 28,9% vụ, giảm 20,2% số người chết và giảm 19,7% số người bị thương. Trong đó, có 3/4 huyện phía Bắc tỉnh giảm được số vụ và số người chết vì TNGT. Tuy nhiên, ngành chức năng cũng nhìn nhận nguy cơ tiềm ẩn gia tăng TNGT còn rất lớn. Chính vì vậy, tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung phân tích những bất cập và đưa ra nhiều giải pháp đảm bảo trật tự ATGT.
Hạ tầng bất cập là một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn về trật tự ATGT.
- Trong ảnh: Một điểm giao giữa QL 1A với đường giao thông nông thôn ở huyện Hoài Nhơn có độ dốc, mật độ người tham gia giao thông cao.
Là địa phương có số vụ TNGT giảm tương đối sâu, song lại tăng về số người chết, đại diện huyện Hoài Nhơn chỉ ra rằng có 94% số vụ TNGT xảy ra do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông kém; trong đó lứa tuổi gây TNGT chủ yếu vẫn là thanh thiếu niên, phương tiện gây tai nạn chủ yếu là ô tô (chiếm trên 70%). Đại diện huyện Hoài Nhơn cũng chỉ ra những bất cập về hạ tầng giao thông như các vạch sơn trắng tại các vị trí dừng xe, vạch dành cho người đi bộ tại một số ngã tư trên địa bàn đã bị bong tróc nên người tham gia giao thông dừng chờ đèn tín hiệu không đúng vị trí; hoặc hình ảnh ghi lại không rõ vạch kẻ gây khó khăn cho công tác xử lý. Bên cạnh đó, tuyến ĐT 639 là tuyến đường chính nhưng mặt đường hẹp, cần được nâng cấp.
Tuy vậy, bất cập phổ biến nhất hiện nay là các điểm đấu nối giữa quốc lộ với đường giao thông nông thôn. Đại tá Võ Văn Thạnh, Trưởng CA huyện Hoài Nhơn, đề nghị: “Ngành chức năng tổ chức khảo sát, điều chỉnh hợp lý điểm tiềm ẩn TNGT tại km 1140+700 trên tuyến QL 1A qua thôn An Dưỡng 1, xã Hoài Tân, vì việc mở điểm quay đầu tại nơi này không đảm bảo. Đầu đấu nối với QL 1A là đường vào khu dân cư đông đúc, mặt đường có độ dốc cao nên tiềm ẩn TNGT, và thực tế tại khu vực này đã có 2 người chết do những bất cập trên. Ngoài ra, cần sớm lắp đặt hệ thống camera và đèn tín hiệu tại ngã 3 QL 1A cũ với đường Trần Phú, bởi đây là khu vực đông người qua lại, thường xảy ra xung đột giao thông”.
Cùng quan điểm cần nhanh chóng khắc phục những bất cập về hạ tầng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Võ Đình Tuấn kiến nghị: “Tỉnh cần đầu tư kinh phí thắp sáng tại các ngã 3, ngã 4, các điểm đấu nối trên QL 1A; lắp đặt biển báo hiệu tại tuyến đường tránh và các tuyến đường giao cắt đường sắt; điều chỉnh giao thông phù hợp tại nút giao đường tránh vào thị trấn để tránh xung đột dẫn đến TNGT”…
Từ thực trạng này, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đã đề nghị đại diện các đơn vị đang thi công giao thông trên địa bàn tỉnh (Cục Quản lý đường bộ 3, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, Công ty CP BOT Bắc Bình Định) phải có trách nhiệm về những bất cập hạ tầng mà các địa phương kiến nghị, bởi công trình đang trong giai đoạn bảo hành. Ông Hoàng nói: “Các đơn vị quản lý đường bộ cần ưu tiên, chủ động kinh phí để xử lý những bất cập hạ tầng giao thông; thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, thống kê hư hỏng trên các tuyến quốc lộ để đảm bảo sửa chữa mặt đường êm thuận, vệ sinh môi trường trên tuyến do mình quản lý để bảo đảm ATGT”.
K.ANH