Ðiểm đến An Toàn
Từ trung tâm huyện An Lão lên tới xã An Toàn, xã cao nhất, xa nhất của huyện miền núi này chừng 40 km. Trên con đường ngút ngàn cây rừng xanh ngắt, chúng tôi lên An Toàn giữa mùa hoa rừng khoe sắc thắm, mùa những đồi sim chín rộ thơm ngát một vùng. An Toàn đang vào những ngày đẹp nhất trong năm.
Nếu nhắc đến An Toàn, chỉ nhắc đến núi rừng, đến độ cao trên 800 m so với mực nước biển, An Toàn sẽ chẳng khác Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), Canh Liên (Vân Canh); sẽ chẳng có gì hấp dẫn để giới thiệu cho du khách ngoài một bức tranh phong cảnh. Cảnh đẹp núi rừng là điều không giới thiệu thêm nữa. Nói đến nét đặc biệt riêng có của An Toàn phải nói đến sự đa dạng sinh học. Phải vì thế mới có Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn.
Suối đá ở An Toàn mùa khô. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt thành lập theo Quyết định 5840/QĐ-UBND ngày 11.3.2013 thuộc địa bàn xã An Toàn, huyện An Lão. Đến nay, đây là khu bảo tồn duy nhất của tỉnh Bình Định, đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ giá trị đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tự nhiên. Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn với diện tích 22.450 ha, mật độ che phủ rừng chiếm trên 88%; các điều tra ban đầu về đa dạng sinh học trong khu vực đã thống kê được 300 loài động vật với 83 loài thú, 141 loài chim, 47 loài bò sát và 29 loài lưỡng cư. Khu hệ thực vật được đánh giá ban đầu với 547 loài thực vật bậc cao của 304 chi. Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn nằm trong hai vùng sinh thái rừng mưa núi cao Nam Trường Sơn và vùng sinh thái Rừng khô đất thấp Nam Việt Nam; kết nối với khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chơ Răng (tỉnh Gia Lai) tạo thành hệ sinh thái rừng tự nhiên xen lẫn với núi, đồi, họa nên bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ. Nếu bạn quan tâm đến thế giới tự nhiên, đọc những số liệu này, bạn đã có thể yên tâm khoác ba lô hỏi đường lên An Toàn rồi.
Anh Đinh Lầy, Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn, dẫn chúng tôi đi trên những con đường mòn độc đáo mà có lẽ, chỉ những người dân địa phương mới tự tin băng băng đi. Dọc những con đường này, bên đây là núi là rừng, bên kia là những nếp nhà ẩn hiện, lô nhô. Từ đầu con dốc dẫn vào thôn 1 (xã An Toàn), anh Đinh Lầy chỉ về những cánh rừng ngút ngàn xanh phía sau, dài mãi theo hướng anh chỉ - đó là toàn bộ Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn.
Những nếp nhà sàn nhỏ xinh của cộng đồng người Bana ở An Toàn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo chân anh vào làng, ngắm những ngôi nhà sàn nho nhỏ, nép mình dưới chân núi, chúng tôi bỗng dưng không muốn cất bước nữa, chỉ muốn ngồi bệt xuống thu vào trong mắt những cánh rừng xanh tít mù nối nhau và những nếp nhà đẹp như tranh. Từ thôn 1 di chuyển đến thôn 3 chúng tôi đi giữa những đồi sim vào mùa chín rộ, hương sim thơm đặc quánh chất ngất đến độ quấn quýt theo bước người đi. “Rừng là mạch nguồn sự sống của cộng đồng người Bana. Rừng An Toàn cho người Bana nhiều thứ đó: là hoa rừng, là cây rừng, là trái rừng, là tổ mật ong ngọt lịm; người Bana trả lại cho rừng là sự bảo vệ, là chăm sóc, là gìn giữ và gắn kết như máu thịt ngàn năm”, Đinh Lầy hồn hậu tâm sự.
Ðặc thù của xã vùng cao An Toàn là khí hậu mát mẻ, thích hợp cho việc phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, gắn với sinh thái rừng. An Toàn có nhiều điểm đến hấp dẫn như Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn, khu trồng dược liệu, khu đồi sim, khu đồi chè Tiến Vua… Song, các điểm đến của An Toàn vẫn chưa khai thác du lịch. Do đó, nếu có ý định khám phá An Toàn, du khách nên lên lịch, liên hệ với người dân địa phương để sắp xếp nơi ăn, chốn ở.
Thiên nhiên kỳ vĩ, nét hoang sơ cùng với đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng là nhân tố để UBND huyện An Lão định hướng phát triển An Toàn thành điểm nhấn du lịch của huyện với mô hình du lịch sinh thái cộng đồng. Trong đó, cộng đồng người Bana với những bản làng ẩn hiện dưới tán rừng cùng với nét đặc sắc trong văn hóa, phong tục, tập quán là nhân tố quan trọng trong việc tạo ra những trải nghiệm khác biệt cho du khách.
“Chúng tôi vẫn muốn An Toàn là An Toàn, nó không cần phải là một nơi nào đó khác. Khách đến An Toàn vì vẻ đẹp của vùng đất và con người nơi đây. Chúng tôi vui mừng khi UBND huyện An Lão chọn An Toàn phát triển du lịch sinh thái rừng bền vững. Người dân quê tôi được tham gia vào dự án, dịch vụ phục vụ khách du lịch”, Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lầy chia sẻ.
THU DỊU