Chuyện làm... “dân số” ở An Lão
Dù là huyện miền núi, đa số người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số, nhưng huyện An Lão vẫn là điểm sáng trong thực hiện chính sách DS-KHHGÐ của tỉnh.
Theo chân cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã An Quang, chúng tôi vượt qua đoạn đường với những triền dốc cao mới đến được nhà anh Đinh Văn Phưa, ở thôn 5. Căn nhà khang trang của gia đình anh nổi bật lên giữa khu dân cư, khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Nhắc đến gia đình anh, người dân trong thôn ai cũng đều khen ngợi vì luôn sống hòa thuận, yêu thương nhau và có hai cô con gái học giỏi, hiếu thảo. Anh Phưa tâm sự: “Với vợ chồng tôi, trai hay gái đều là con mình, chỉ cần chúng mạnh khỏe, học giỏi và ngoan ngoãn là vui rồi...”.
Chị em phụ nữ H’re xã An Quang được tuyên truyền sức khỏe sinh sản, thực hiện KHHGĐ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều cặp vợ chồng ở thôn 5, xã An Quang cũng suy nghĩ như vợ chồng anh Phưa. Sự đồng thuận này là kết quả của một quá trình tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của đồng bào H’re nơi đây. Cán bộ dân số xã, thôn đến từng nhà tuyên truyền bà con loại bỏ hủ tục, chỉ rõ tác hại của việc sinh con đông và vận động bà con thực hiện các biện pháp KHHGĐ.
Với những gia đình sinh con một bề hoặc những cặp vợ chồng chưa nhận thức thấu đáo về công tác này, việc tuyên truyền thực hiện theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Nội dung này cũng được đưa vào sinh hoạt chi bộ và các đoàn thể làm căn cứ thi đua theo quy ước, hương ước của thôn. Ông Đinh Văn Dứ, Trưởng thôn 5, cho biết: “Bà con mình giờ không ai muốn sinh nhiều nữa, lo làm kinh tế, để có điều kiện cho con cái học hành. Nhờ thế mà thôn đã giữ vững thành tích 5 năm liền không có người sinh con thứ 3”.
“Bà con mình giờ không ai muốn sinh nhiều nữa, lo làm kinh tế, để có điều kiện cho con cái học hành. Nhờ thế mà thôn đã giữ vững thành tích 5 năm liền không có người sinh con thứ 3”.
Ngược đường từ thôn 5, xã An Quang, chúng tôi về thôn Long Hòa, xã An Hòa. Gặp chị Nguyễn Thị Châu, cán bộ y tế thôn kiêm công tác dân số, hỏi chuyện tuyên truyền công tác dân số, chị phấn khởi nói: “Chúng tôi trực tiếp đi từng ngõ, gõ từng nhà, để nói chuyện, giải thích chuyện sinh đẻ có kế hoạch. Nhà nào mình nói không nghe thì nói nhiều đợt, nhiều lần. Lấy dẫn chứng nhiều gia đình sinh con ít làm kinh tế giỏi để nêu gương cho họ noi theo”. Đến nay, Long Hòa là một trong những điểm sáng của huyện không có gia đình vi phạm sinh con thứ 3 trở lên.
Được biết, 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn huyện có 176 trẻ được sinh ra, giảm 25 trẻ so với cùng kỳ năm 2018; số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 25 trẻ, giảm 10 trẻ so cùng kỳ 2018.
Để từng bước giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn, huyện An Lão chú trọng gắn công tác DS-KHHGĐ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; đưa các chỉ tiêu về dân số gắn với việc thực hiện các hoạt động, phong trào thi đua. Nhân rộng mô hình “Thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên”.
Ngoài ra, huyện còn duy trì thực hiện tốt mô hình “Người cha trách nhiệm” tại xã An Hòa, CLB “Vị thành niên” tại các xã, thị trấn... Thông qua các buổi sinh hoạt, người dân đã có điều kiện giao lưu, trao đổi, động viên nhau sinh đẻ có kế hoạch, bảo vệ sức khỏe trẻ em và phụ nữ mang thai... Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được trang bị đầy đủ kiến thức về tác hại của việc sinh đông con; tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp tránh thai lâm sàng...
Riêng 6 tháng đầu năm, Trung tâm Dân số huyện đã tổ chức hơn 20 cuộc tuyên truyền tại các điểm khu dân cư ở 10 xã, thị trấn. Kết quả có hơn 450 gia đình cam kết thực hiện các tiêu chí ba không (không sinh con thứ 3; không lựa chọn giới tính thai nhi; không tổ chức kết hôn sớm, tảo hôn cho con em mình).
Bà Từ Thị Hà, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện An Lão, cho biết: Huyện xác định mục tiêu xóa đói giảm nghèo phải gắn liền với công tác dân số. Hàng năm, chính quyền địa phương luôn trích kinh phí từ Chương trình 30a để hỗ trợ công tác tuyên truyền dân số tại các địa bàn. Đây là trợ lực giúp địa phương tăng cường đổi mới công tác truyền thông giáo dục; đa dạng về phương pháp và cách thức tổ chức tuyên truyền phù hợp với tâm lý, phong tục, tập quán của từng thành phần dân tộc, từng đối tượng, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách dân số trên địa bàn huyện.
DIỆP THỊ DIỆU