Người phụ nữ giàu nghị lực
Chị Nguyễn Thị Hiếu (48 tuổi) ở thôn An Thái, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) là một phụ nữ giàu nghị lực, cần cù vượt khó, không cam chịu số phận tật nguyền vươn lên làm kinh tế giỏi và được mọi người quý mến.
Chị Nguyễn Thị Hiếu bộc bạch: Ba, mẹ tui sinh tới 7 người con, tui là đứa con thứ 3, chẳng may khi tròn 1 tuổi bị một cơn sốt hành hạ nên bại liệt hai chân. Ở quê con đông, gia đình chỉ làm vài sào ruộng nên kinh tế khó khăn, được cha mẹ nuôi nấng lớn lên, tui nghĩ chẳng lẽ tật nguyền không làm được việc gì tự kiếm sống, hiện giờ bố mẹ còn chu cấp được chứ khi về già thì sao?! Nhiều đêm không ngủ nằm trằn trọc, nghĩ miết rồi cũng có cách, xin bố mẹ cho học may quần áo một tiệm ở quê. Tuy nhiên, thời điểm bấy giờ máy may toàn phải đạp chân, trong khi chân tui tật nguyền quá yếu liệu có bền. Thế nhưng, tui vẫn quyết tâm tập luyện hằng ngày, những cố gắng, nỗ lực “có công mài sắt, có ngày nên kim” đã giúp tui thành công.
Chị Nguyễn Thị Hiếu (người chống nạng) đang hướng dẫn nhân công may gia công.
Chị Hiếu cho biết thêm: “Cùng thời điểm đó, nghe mọi người nói ở TP Hồ Chí Minh có máy sử dụng điện để may. Thế là năm 1998, tui xin phép bố mẹ khăn gói vào TP Hồ Chí Minh và may mắn xin được học nghề may trên máy may điện ở Trung tâm dạy nghề thành phố. Nhờ đã được học may ở quê, nên chỉ sau 1 tuần thực hành, tui ra nghề. Khi đến các cơ sở may tìm việc, họ nhìn tui ái ngại lắm, nhưng cũng giao máy để may thử, thấy được họ nhận vào nhưng thu nhập không là bao. Làm chừng vài tháng có người mách ở Công ty Vĩnh Phú, Quận 12, có tuyển lao động may nên tui đến xin việc, được chị nữ giám đốc thông cảm nhận vào, thế là có việc làm từ đó. Sau nhiều năm làm công nhân may, bản thân cũng tích cóp dành dụm được ít tiền, năm 2009 tui xin nghỉ việc về địa phương mở cơ sở may riêng”.
Về quê, chị Hiếu đã mua được một ki ốt ở chợ An Thái, nhận may và sửa quần áo cũ, bán một ít hàng như nem, chả, kem… Lúc đầu ít người biết, khách đến may và sửa quần áo không nhiều, thời gian sau “tiếng lành đồn xa” với lại tay nghề chị cũng khá, được khách hàng hài lòng nên họ đem đến may, sửa ngày càng nhiều. Thu nhập khá dần lên và chị nghĩ phải mở rộng quy mô sản xuất. Được Hội LHPN xã tín chấp vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH và cộng với vốn tích lũy lâu nay, vốn mượn của anh chị em trong gia đình, chị đầu tư mua 1 mảnh đất xây nhà xưởng và 30 máy may công nghiệp; đồng thời liên hệ với Công ty Vĩnh Phú đã làm công nhân trước đây nhận hàng về may gia công kiếm thêm thu nhập và giải quyết việc làm cho chị em những lúc nông nhàn. Hiện cơ sở may của chị đang tạo việc làm cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/ người/ tháng.
Nhận xét về chị Nguyễn Thị Hiếu, chị Dương Kim Nhất, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Phúc, chia sẻ: Chị Hiếu có tính cách mạnh mẽ, tuy khuyết tật nhưng không muốn sống dựa vào ai. Hội đứng ra tín chấp cho chị vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm để mở cơ sở may gia công tại địa phương. Điều đáng quý ở chị là giúp đỡ những chị em cũng tật nguyền vào cơ sở trực tiếp dạy may tạo việc làm, có thu nhập. Bên cạnh lo làm kinh tế, chị Hiếu còn nhiệt tình tham gia hoạt động hội phụ nữ ở địa phương và được chị em hội viên yêu mến, nể phục.
XUÂN THỨC