Đêm 30.6, sẽ tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 12 tỉnh
Theo Cục Tần số vô tuyến điện, từ 24 giờ đêm 30.6.2019, 12 tỉnh thuộc nhóm 3 của Đề án Số hóa truyền hình mặt đất sẽ ngừng phát sóng kênh truyền hình tương tự mặt đất (truyền hình analog-analog tivi)
Theo Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ 24 giờ đêm 30.6.2019, 12 tỉnh thuộc nhóm 3 của Đề án Số hóa truyền hình mặt đất (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi và Quảng Nam) sẽ ngừng phát sóng các kênh truyền hình tương tự mặt đất (truyền hình analog-analog tivi) từ trạm phát sóng chính.
Hiện nay, 12 tỉnh thực hiện Đề án số hóa truyền hình này đã được phủ sóng DVB-T2. Diện tích vùng phủ sóng đã bằng hoặc lớn hơn vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất trước đây.
Tại các địa phương này, các gia đình đã xem được 9 kênh của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), trong đó có 5 kênh truyền hình có độ phân giải cao (HDTV) và 4 kênh truyền hình có độ phân giải tiêu chuẩn (SDTV). Các kênh truyền hình địa phương thu được trên truyền hình số mặt đất có chất lượng cao hơn so với truyền hình tương tự mặt đất.
Theo ước tính, tại khu vực Trung Bộ có hơn 10% số hộ đang thu sóng truyền hình tương tự mặt đất cần phải chuyển sang truyền hình số mặt đất hoặc các phương thức truyền hình khác.
Để thu, xem được truyền hình số mặt đất thì trong vùng phủ sóng DVB-T2, các hộ đang dùng tivi thế hệ cũ, chưa tích hợp chức năng thu xem truyền hình số mặt đất DVB-T2 cần trang bị thêm đầu thu truyền hình số DVB-T2 hoặc mua máy thu hình mới đã tích hợp chức năng thu DVB-T2 để thu được nhiều kênh truyền hình chất lượng cao.
Các hộ nghèo, hộ cận nghèo đang thu truyền hình tương tự mặt đất, chưa sử dụng các phương thức thu xem truyền hình khác sẽ được hỗ trợ đầu thu DVB-T2. Đài Truyền hình Việt Nam và các đài phát thanh và truyền hình địa phương sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất khi công tác hỗ trợ đầu thu cơ bản hoàn thành.
Sau khi tắt sóng truyền hình analog tại 12 tỉnh đợt này, đến ngày 15.7.2019, cả nước sẽ có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất cho toàn bộ địa bàn, hoặc địa bàn phủ sóng của trạm phát sóng chính. Như vậy, gần 75% số hộ dân gia đình cả nước đã nằm trong vùng số hóa truyền hình mặt đất.
Trong cuộc họp mới đây của Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình mặt đất, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phạm Hồng Hải chỉ đạo các đơn vị phải phối hợp triển khai giai đoạn 4 của Đề án số hóa truyền hình đúng thời hạn.
15 tỉnh thuộc nhóm 4 của Đề án Số hóa truyền hình mặt đất (gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất và chuyển đổi sang phát sóng truyền hình số mặt đất trước ngày 31.12.2020.
Việc thực hiện đề án số hóa truyền hình đúng thời hạn là tiền đề quan trọng để giải phóng băng tần 700Mhz nhằm sẵn sàng phát triển dịch vụ di động băng 4G, 5G tại Việt Nam trong thời gian tới./.
Theo Ng.Bích (TTXVN/Vietnam+)