Cựu binh Trường Sa - rưng rưng ngày gặp lại
Những cái bắt tay. Những cái ôm thật chặt. Nụ cười và nước mắt. Ðó là hình ảnh của các CCB từng sống và chiến đấu tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa trong ngày gặp lại tại thành phố biển Quy Nhơn vào chiều 29.6.
Rưng rưng ngày gặp lại
Dù buổi gặp mặt chính thức diễn ra lúc 16 giờ nhưng mới 15 giờ, cả khoảng sân của Trường Tiểu học Trần Phú (nơi diễn ra cuộc gặp) đã có gần 400 CCB Trường Sa từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước tề tựu. Tay trong tay mà vui buổi trùng phùng. Mắt trong mắt cho vợi đi nỗi nhớ. Đồng đội đây rồi! Chiến hữu đây rồi! Rộn ràng tay bắt mặt mừng, đồng đội ân cần thăm hỏi nhau về sức khỏe, gia đình, công việc...
Các CCB Trường Sa chụp hình lưu niệm tại buổi gặp mặt.
CCB Trần Văn Xuất (ở TP Đà Nẵng), Trưởng Ban Liên lạc CCB đảo Trường Sa Đông, từng tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Trường Sa Đông vào những năm 1984, chia sẻ: “Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền, những người lính đảo năm xưa mỗi người một ngả, nên lúc đầu, việc kết nối với nhau rất khó khăn. Nhờ tâm huyết, nhiệt tình của anh em, nhờ sự động viên, giúp đỡ của các địa phương, các ban liên lạc, hội CCB cơ sở đã từng bước thể hiện được vai trò là nơi tập hợp của anh em. Nhờ vậy mà năm nào, các ban liên lạc cũng tổ chức gặp mặt các CCB Trường Sa. Vậy mà mỗi khi gặp lại ai cũng xúc động, nước mắt rưng rưng”.
CCB Lê Văn Hiệp (61 tuổi, quê ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, hiện đang sinh sống tại TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), từng làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn năm 1985 - 1986, tâm sự: “Mỗi lần được về đây gặp mặt anh em đồng đội, cảm xúc lại dâng trào, vui lắm! Chúng tôi ôn lại chuyện chiến đấu năm xưa với những khó khăn vất vả, hỏi chuyện về cuộc sống hôm nay. Ai cũng tự hào rằng mình đã góp được một phần nhỏ bé cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”.
Nguồn: BTV
Còn CCB Nguyễn Văn Dũng (53 tuổi, ở TP Nha Trang, Khánh Hòa), dù chân đi khập khiễng do bị thương khi tham gia phục vụ xây dựng, chiến đấu tại đảo Nam Yết vào năm 1987, nhưng vẫn không ngại đi tìm từng đồng đội để hỏi thăm. “Nhiều đồng đội tóc đã bạc, đã khác đi nhiều sau nhiều năm không gặp lại. Bây giờ có cơ hội gặp nhau đây thì mới ôn lại được chuyện xưa, xúc động vô bờ bến”, ông Dũng xúc động nói. Giờ ông Dũng là Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch sinh thái Thiên Phước, bận rộn việc kinh doanh nhưng vẫn không nguôi nhớ về những đồng đội cũ. Ông tìm cách liên lạc rồi tham gia tổ chức kết nối anh em, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Biết con em của đồng chí, đồng đội chưa có việc làm, ông Dũng nhận các cháu vào làm việc, với thu nhập ổn định. Đặc biệt, ông còn nhận mẹ Nguyễn Thị Niệm (93 tuổi, ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, Phú Yên) là mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc tại đảo Gạc Ma vào năm 1988, làm mẹ nuôi từ hơn 10 năm nay.
Cựu chiến binh Gạc Ma hội ngộ
Buổi gặp mặt được chú ý hơn với sự hiện diện của 4 CCB từng tham gia trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lành (53 tuổi, hiện ở TP Hồ Chí Minh), Lê Văn Thoa (thường gọi là Lê Minh Thoa, 51 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn), Nguyễn Văn Thống (55 tuổi, ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình) và Trần Thiên Phụng (55 tuổi, ở TP Đông Hà, Quảng Trị).
Các CCB Gạc Ma (từ phải sang): Lê Văn Thoa, Nguyễn Văn Thống, Trần Thiên Phụng và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lành vui mừng khi gặp lại.
Đến buổi gặp mặt từ rất sớm, anh Lê Văn Thoa tay bắt mặt mừng khi gặp lại những đồng đội cũ. “Tôi cũng như các anh em khác rất nôn nao chờ đợi đến ngày hôm nay để được gặp nhau. Khi vừa đến Quy Nhơn là các CCB từng tham gia chiến đấu ở đảo Gạc Ma được tôi đón về nhà. Chúng tôi cùng nhau kể lại kỷ niệm hào hùng của những ngày tháng sống và chiến đấu tại đảo Gạc Ma. Trong đó, không ít chiến sĩ đã dũng cảm quên mình, hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi khi nhắc đến đồng đội, chúng tôi lại rơi nước mắt”, anh Thoa thổ lộ.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lành bồi hồi, xúc động: “Mỗi khi tổ chức gặp mặt các CCB Trường Sa là tôi thấy mình như đang trở lại Trường Sa. Tôi mơ thấy đồng đội tôi vẫn cùng ăn cơm, làm việc chung với nhau như cách đây 31 năm, trước khi họ ngã xuống. Tôi nhớ các đồng đội đã hy sinh rất anh dũng, như anh Trần Văn Phương từng nói: Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo - phần máu thịt thiêng liêng do cha ông để lại”.
CCB Nguyễn Văn Thống bị thương khá nặng khi tham gia chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma. Ông bị thương ở tay phải, chân phải, hỏng mắt trái, vỡ xương gò má, toàn thân bị găm đầy mảnh đạn. Những vết thương ấy cứ hành hạ ông suốt, phải uống thuốc giảm đau. Vậy mà khi hay tin về cuộc gặp mặt, ông nén cơn đau để tìm gặp đồng đội. “Buổi gặp mặt để chúng tôi thắp nén hương lòng cho những đồng đội đã hy sinh anh dũng cho chúng tôi được sống đến hôm nay. Không một ai bị lãng quên, bởi chúng tôi luôn nhớ về những người đồng đội của mình”, ông Thống bùi ngùi.
Buổi gặp mặt kéo dài đến khá khuya nhưng không ai muốn ra về. Trước khi kết thúc, những người lính Trường Sa năm xưa lại cùng nhau hát vang bài ca “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long và hẹn một ngày không xa sẽ gặp lại.
NGUYỄN PHÚC