Tăng giá hơn 1.900 dịch vụ y tế: Nhiều băn khoăn
Sau mấy lần tạm ngưng, Bộ Y tế thông tin, theo lộ trình từ nay đến cuối năm 2019 sẽ tăng giá hơn 1.900 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi lương cơ bản được nâng lên 1,49 triệu đồng/tháng từ 1.7.2019 (tăng 100 nghìn đồng/tháng). Ðiều chỉnh này nhằm hiện thực hóa Thông tư 37/2018/TT-BYT về giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT.
Theo Bộ Y tế, giá tối đa dịch vụ khám bệnh sẽ dao động từ 26.000 đồng đến dưới 40.000 đồng; giá dịch vụ hội chẩn để xác định ca bệnh khó có mức tối đa 200 nghìn đồng. Hiện, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, điều chỉnh lần này nhằm xóa bỏ bao cấp qua giá, thực hiện giá thị trường đối với dịch vụ công có kiểm soát của Nhà nước. Vì vậy, điều chỉnh giá dịch vụ KCB là phù hợp và chỉ tác động 12% dân số chưa tham gia BHYT, đồng thời gây áp lực cho số người chưa tham gia BHYT, tiến tới đạt mục tiêu BHYT toàn dân.
Điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở từ ngày 1.7.2019 với các cơ sở y tế là cần thiết.
Ở góc độ quản lý ngành Y tế, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho rằng, viện phí theo lương là nói “ví von”, thực tế định mức kinh tế kỹ thuật làm giá dịch vụ y tế có tính tiền lương của nhân viên y tế. Do vậy, khi điều chỉnh mức lương cơ bản thì giá dịch vụ y tế phải được điều chỉnh tương ứng.
Ghi nhận tại cơ sở y tế, nhiều ý kiến cho rằng khung giá viện phí hiện phải chi trả chi phí trực tiếp và tiền lương nhân viên. Từ ngày 1.7, lương cơ bản tăng 100 nghìn đồng/tháng, cơ sở y tế rất khó khi giá dịch vụ KCB vẫn chưa rục rịch. “Điều chỉnh giá dịch vụ KCB phải theo cùng mức lương để các cơ sở KCB cân đối chi trả chi phí trực tiếp, tiền lương cho nhân viên; chưa kể bối cảnh hiện nay cơ sở y tế cũng phải “cõng” nhiều chi phí tăng khác, đơn cử như chi phí tiền điện”, Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình cho hay.
Nhiều bệnh nhân chia sẻ, điều chỉnh tăng giá dịch vụ KCB chắc chắn tăng thêm gánh nặng điều trị bệnh, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc mãn tính. Anh Nguyễn Thanh Tuấn (huyện Hoài Nhơn) thường xuyên phải điều trị tại khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh, bộc bạch: Giá dịch vụ KCB tăng khiến chúng tôi rất lo lắng. Số tiền cùng chi trả cho một đợt điều trị hơn chục ngày là vài triệu đồng (20% chi phí), nếu tăng giá nữa thì mức đồng chi trả này tăng lên.
“BHYT đã bao phủ khoảng 90% dân số toàn tỉnh. Trừ số ít người nghèo, nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước “bao bọc” thì phần lớn người có thẻ BHYT phải thực hiện đồng chi trả 5% - 20% chi phí. Nghĩa là, ngoài 10% người dân bị ảnh hưởng nhiều do không tham gia BHYT, nhóm đồng chi trả cũng chịu tác động”, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hà Thúc Chí phân tích.
Khi đưa ra thông tin sẽ tiến hành điều chỉnh giá dịch vụ KCB theo mức tăng lương cơ bản, Bộ Y tế cũng để mở khả năng tăng giá dịch vụ căn cứ chỉ số giá tiêu dùng và điều kiện KT-XH, trường hợp chưa thuận lợi sẽ báo cáo xem xét, lùi thời gian thực hiện giá dịch vụ KCB tính đủ các yếu tố. Ông Hà Thúc Chí phân tích: Việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB phải thực hiện, nhưng cần tính toán kỹ. Gọi là điều chỉnh giá dịch vụ KCB nhưng thực chất là tăng giá, chứ không có giảm; do đó điều chỉnh giá dịch vụ KCB sẽ tác động đến quỹ BHYT và cơ sở KCB. Đến tháng 6.2019, quỹ BHYT của Bình Định đạt hơn 607 tỷ đồng/1.259 tỷ đồng dự toán cả năm. Dự toán BHYT giao năm 2019 vốn đã giảm 100 tỷ đồng so với số thực hiện năm 2018, nếu cộng thêm điều chỉnh giá dịch vụ KCB khoảng 5% như Bộ Y tế tính toán, Bình Định bội chi BHYT thêm 100 tỷ đồng.
Ông Lê Quang Hùng cũng cho biết, trong khi chờ quyết định chính thức của Bộ Y tế, nhằm tránh tác động đến tâm lý người dân, Sở Y tế đã báo cáo UBND tỉnh dừng trình nội dung điều chỉnh giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT theo giá quy định tại Thông tư 37 tại kỳ họp HĐND tỉnh tháng 7.2019, và lùi đến kỳ họp cuối năm nay.
MAI HOÀNG