Phát triển nghề cá bền vững: Chống khai thác IUU, gỡ vướng hạn ngạch
Cùng với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh và Bộ NN&PTNT cần quan tâm gỡ vướng về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản.
Toàn tỉnh hiện có 6.232 tàu cá; trong đó có 3.038 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động tại vùng khơi; 1.388 tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 m đến dưới 15 m hoạt động tại vùng lộng; 1.806 tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 m hoạt động tại vùng ven bờ.
Tổ thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá Quy Nhơn kiểm tra tàu cá chuẩn bị xuất bến.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Để triển khai đồng bộ các giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Thủy sản tỉnh tập trung thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản (KTTS), xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản; đăng ký, đăng kiểm tàu cá... Năm 2018, đã kiểm tra 19.693 lượt tàu cá xuất nhập bến tại các cảng cá trong tỉnh; cấp 311 giấy xác nhận cho 16.678 tấn thủy sản, 424 giấy chứng nhận cho 5.483 tấn thủy sản thành phẩm. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã kiểm tra 14.411 lượt tàu xuất nhập bến; cấp 54 giấy xác nhận cho 3.000 tấn thủy sản, 82 giấy chứng nhận cho 810 tấn thủy sản thành phẩm.
IUU là tên viết tắt của các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (illegal, unreported and unregulated fishing). Quy định về IUU được Liên minh châu Âu (EU) ban hành nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá dưới các hình thức này. Năm 2002, Ủy ban châu Âu (EC) thông qua Kế hoạch hành động IUU, trên cơ sở triển khai một Kế hoạch hành động quốc tế của Tổ chức nông lương của Liên hiệp quốc (FAO) năm 2001 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ các hoạt động đánh bắt cá IUU.
Ngư dân Nguyễn Văn Việt, ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, chủ tàu cá BĐ 97244 TS, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên được UBND xã tuyên truyền đánh bắt theo đúng quy định IUU, ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Trước khi tàu xuất nhập cảng đều báo trước ít nhất 1 giờ cho ngành chức năng, khi hoạt động trên biển phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị đảm bảo an toàn theo quy định”.
Còn ngư dân Văn Công Việt, ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), chủ tàu cá BĐ 91198 TS, cho hay: “Trước khi tàu xuất bến, tôi đều nhắc nhở anh em thuyền trưởng, thuyền viên trên tàu của mình khi ra khơi KTTS phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không vi phạm vùng biển nước ngoài và mở thiết bị giám sát hành trình đảm bảo tính liên tục để tôi ở nhà có thể cập nhật theo dõi hải trình đánh bắt”.
Huyện Hoài Nhơn là địa phương có đội tàu cá lớn nhất tỉnh với hơn 2.400 chiếc, trong đó, có trên 2.000 tàu hoạt động vùng khơi làm nghề khai thác cá ngừ đại dương, lưới vây ánh sáng, mành chụp… Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Mặc dù huyện đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp về chống khai thác IUU, nhưng với số lượng tàu thuyền lớn, hoạt động trên khắp các ngư trường cả nước nên rất khó khăn trong công tác quản lý, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Trong khi đó, cảng cá Tam Quan là nơi tập trung cả nghìn tàu cá của huyện vào mỗi dịp trăng nhưng cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chưa đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác, đây cũng là bài toán nan giải”.
Ngư dân TP Quy Nhơn kiểm tra thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá để chuẩn bị ra khơi.
Cần gỡ vướng về hạn ngạch
Để hướng đến phát triển nghề cá bền vững, Bộ NN&PTNT đã cấp 3.118 hạn ngạch giấy phép KTTS tại vùng khơi cho tỉnh Bình Định. UBND tỉnh cũng đã công bố 2.997 hạn ngạch giấy phép KTTS tại vùng lộng và vùng ven bờ, trong đó có 1.388 giấy phép KTTS vùng lộng và 1.609 giấy phép KTTS vùng ven bờ. Đến nay, ngành Thủy sản tỉnh đã cấp được 250 giấy phép KTTS theo hạn ngạch, trong đó cấp 240 giấy phép vùng khơi, 10 giấy phép vùng lộng. Qua rà soát tỉnh ta có 723 tàu cá có chiều dài dưới 15 m lâu nay hoạt động ở vùng khơi với các nghề, như: Câu, lưới vây, khai thác cá ngừ đại dương... phải chuyển vào hoạt động KTTS tại vùng lộng theo luật định. Đây cũng là một điểm vướng mắc lớn, nếu áp dụng chính xác tất cả theo luật định.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT vào ngày 29.6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu báo cáo: 723 tàu hoạt động vùng khơi giờ chuyển vào vùng lộng sẽ đánh bắt không hiệu quả, nếu muốn chuyển đổi nghề hoặc chuyển đổi vùng khai thác ngư dân cũng gặp khó khăn do không có giấy phép KTTS; điều này gây bức xúc cho những ngư dân liên quan đến 723 con tàu kể trên, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của số tàu này sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng nghìn gia đình. Tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét cho phép các tàu này được tiếp tục hoạt động KTTS ở vùng khơi đến khi giấy phép cũ hết thời hạn và được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ; cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép KTTS ở vùng khơi cho 723 tàu cá này cải hoán vỏ có chiều dài từ 15 m trở lên để khai thác vùng khơi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Bình Định trong thực hiện chống khai thác IUU nhằm gỡ “thẻ vàng” thủy sản của EC, đồng thời đề nghị Bình Định tiếp tục khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện các khuyến cáo của EC. Việc cấp hạn ngạch giấy phép KTTS là đúng quy định pháp luật, nhưng phải đảm bảo quyền lợi của ngư dân, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản rà soát lại những tồn tại, vướng mắc trong việc cấp hạn ngạch giấy phép KTTS để có hướng điều chỉnh, xem xét giải quyết cho Bình Định cũng như các địa phương khác trên cả nước.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN