Du lịch Việt Nam bị cảnh báo 'chạm tới điểm bùng phát'
Ngân hàng Thế giới đã lên tiếng cảnh báo ngành du lịch Việt Nam đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển, tức nếu tiếp tục tăng trưởng mà không được quản lý tốt có thể dẫn đến những tác động bất lợi.
Du lịch Việt Nam được ghi nhận phát triển tốt trong thời gian qua - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Một báo cáo chuyên đề đặc biệt về phát triển du lịch tại Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố vào chiều 1.7 tại Hà Nội với nhiều cảnh báo đáng chú ý.
Chuyên đề nhận định rằng tăng trưởng mạnh mẽ khiến cho ngành du lịch Việt Nam đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển, nghĩa là nếu tiếp tục tăng trưởng mà không được quản lý tốt, điều đó có thể dẫn đến những tác động bất lợi về kinh tế, xã hội và bền vững về môi trường.
Đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo chuyên đề tại buổi họp báo chiều 1.7, ông Brian Mtonya cho biết số lượt khách tăng du lịch đã mạnh trong thời gian qua, kết hợp với tình trạng giảm chi tiêu của du khách và quá tải ở một số điểm, đang đặt ra gánh nặng về hạ tầng địa phương, nguồn nhân lực và về môi trường.
Ông Brian Mtonya phân tích: du lịch bùng phát trong những năm gần đây (khách quốc tế và cả khách trong nước đã tăng khoảng 4 lần chỉ trong 10 năm) đem lại thành quả kinh tế quan trọng, đóng góp ngày càng tăng cho nền kinh tế chung của Việt Nam (đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP năm 2017 là 8%), đồng thời đã và đang là động lực tăng trưởng quan trọng ở các địa phương nghèo.
Tuy nhiên, hiện các địa phương có kinh tế phát triển vẫn hưởng phần lớn lợi ích của du lịch chứ không phải các địa phương nghèo, và áp lực quá tải đang nổi lên, hầu hết du khách mới tiếp tục đổ vào những điểm thị trường du lịch đại chúng, dẫn đến nhiều thách thức trong phát triển du lịch.
Đó là các thách thức như: yếu kém trong triển khai và tuân thủ quy hoạch du lịch (ví dụ như yếu kém trong thực thi hiệu lực quy hoạch khách sạn tại Đà Nẵng và Quảng Ninh); áp lực về năng lực hạ tầng như số lượng khách sạn bùng nổ mà không có sự cải thiện tương ứng về hạ tầng dịch bổ trợ; nguồn nhân lực du lịch khá hiếm.
Đặc biệt là những đe dọa cho sự bền vững về môi trường, văn hóa và xã hội như Việt Nam đứng sau khu vực về bền vững môi trường; và tải sản thiên nhiên/văn hóa dành cho du lịch có nguy cơ rủi ro ở Hội An, Sapa và Sơn Đoòng.
Ông Brian Mtonya nhận định đây là thời điểm phải đưa ra lựa chọn chiến lược về nhịp độ và cơ cấu tăng trưởng du lịch mong muốn trong tương lai, cân đối theo địa bàn địa lý, để đảm bảo bền vững dài hạn trong ngành và để đem lại tác động kinh tế bao trùm.
"Việt Nam không nên hi sinh môi trường, tài sản văn hóa của mình, vốn là những thứ rất quan trọng, để đổi lấy tăng trưởng khách du lịch. Đây là thời điểm phải hành động. Việt Nam phải có chính sách phù hợp để đảm bảo du lịch đại chúng không nên phát triển theo hướng gây tổn hại tài sản văn hóa và môi trường. Đã có rất nhiều bài học trên thế giới rồi. WB sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong vấn đề này", ông Brian Mtonya nói.
Ông cũng cho biết, gần đầy Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện chính sách hạn chế khách du lịch đến Vạn Lý Trường Thành, và Việt Nam cũng hạn chế khách du lịch tới Chùa Cầu ở Hội An.
Nhóm báo cáo khuyến nghị những biện pháp nhằm đảm bảo bền vững dài hạn cho ngành du lịch, bao gồm những ưu tiên chính:
- Tăng cường phối hợp quy hoạch điểm du lịch và phát triển sản phẩm;
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thị trường nguồn khách;
- Phát triển kỹ năng của lực lượng lao động ngành du lịch;
- Tăng cường kết nối chuỗi giá trị du lịch ở địa phương;
- Cải thiện về quản lý luồng khách;
- Nâng cao chất lượng và năng lực hạ tầng điểm du lịch;
- Và bảo vệ các tài sản văn hóa và môi trường.
Theo THIÊN ĐIỂU (TTO)