Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn hiệu quả dịch tả heo châu Phi
(BĐ)- Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh diễn ra ngày 2.7 tại TP Quy Nhơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh.
Báo cáo của ngành Nông nghiệp tại cuộc họp cho thấy dịch tả heo (DTH) châu Phi ngày càng diễn biến phức tạp khi ổ dịch đã xuất hiện trên đàn heo của 360 hộ tại 49 xã của 9/11 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện An Lão và Vĩnh Thạnh). Loại dịch bệnh này không chỉ xuất hiện tại những hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ mà đã lây nhiễm đến các trang trại chăn nuôi quy mô lớn có sự đầu tư, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh chu đáo. Đàn heo đực giống và heo nái, 2 đối tượng có sức đề kháng tốt, cũng đã bị nhiễm bệnh với số lượng lớn, mật độ đàn heo bị dịch bệnh cao. Công tác phòng chống dịch được triển khai bằng nhiều biện pháp, nhưng ngoại trừ huyện Hoài Ân và Vân Canh làm tốt, các địa phương còn lại chỉ dừng ở mức trung bình. Đáng chú ý là tại huyện Tuy Phước và thị xã An Nhơn, DTH châu Phi đã xuất hiện hầu như toàn bộ các xã, phường, thị trấn, khiến công tác phòng chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.
Lực lượng Thú y thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước xử lý đàn heo của một hộ dân bị bị dịch tả heo châu Phi
Đánh giá mức độ nguy hại với nhiều tác nhân có thể làm cho DTH châu Phi diễn biến phức tạp hơn, trong khi vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện công tác phòng chống dịch chưa được giải quyết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn hiệu quả DTH châu Phi trên địa bàn tỉnh. Các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch động vật của tỉnh phải thường xuyên đi cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn công tác phun thuốc, khử độc sát trùng, rắc vôi xung quanh chuồng trại chăn nuôi và trên các tuyến đường ra vào vùng dịch. Tiến hành lập thêm nhiều chốt kiểm dịch động vật tại các xã, phường để kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán, vận chuyển heo từ vùng có dịch đến vùng chưa có dịch; thành lập tổ xử lý nhanh các ổ dịch và tiêu hủy heo, hạn chế tối đa người và phương tiện ra vào vùng có dịch. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân không sử dụng các loại thức ăn thừa từ quán ăn, nhà hàng, khách sạn cho heo ăn; không được vứt heo chết ra môi trường. Các địa phương phải thống kê chính xác đàn heo hiện có, xác nhận heo bị dịch bệnh phải tiêu hủy để làm cơ sở hỗ trợ cho người dân và chủ động trích ngân sách chi cho công tác phòng chống dịch cũng như hỗ trợ người dân bị thiệt hại; địa phương nào thiếu kinh phí, báo cáo UBND tỉnh.
Nguồn: BTV
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu giao Sở NN&PTNT tiếp tục phân bổ thuốc thú y cho các địa phương để phục vụ công tác phòng chống DTH châu Phi. Căn cứ vào vào cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng chống bệnh DTH châu Phi vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Tài chính phối hợp với Sở NN&PTNT tính toán, tham mưu UBND tỉnh mức hỗ trợ. Các sở, ban, ngành và hội, đoàn thể, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, phải tích cực tham gia công tác phòng chống dịch.
Tin và ảnh: T.SỸ