Chim phóng sinh
Theo quan niệm của nhà Phật, phóng sinh là cách để người ta tạo phước, nuôi dưỡng lòng từ bi. Nhưng khi những quầy bán chim phóng sinh ngày một nhiều hơn, phục vụ nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau, thì ý nghĩa của việc phóng sinh không còn được như vậy nữa.
Tại các tiệm bán chim cảnh, thật dễ nhận ra đâu là chim phóng sinh. Chúng chen chúc nhau trong một cái lồng chật, được chăm sóc một cách sơ sài, chẳng so bì được với các loại chim cảnh như chích chòe, vàng anh, chào mào, khướu..., được chủ o bế hơn hẳn về chuyện “ăn, ở”.
Một chủ tiệm bán chim trên đường Lý Thường Kiệt (Quy Nhơn) giới thiệu: “Tiệm tôi bán hai loại chim phóng sinh, chim dồng dộc và chim sắt (còn gọi là chim mỏ chì), giá 9.000 đồng một con. Cô muốn mua bao nhiêu cũng có cả, mua nhiều thì mới cần dặn trước. Nhưng nhớ, lúc nào thả thì mới mua, đừng mua trước để qua đêm chúng sẽ bị chết đó”. Quả thật, không cần tinh mắt lắm, tôi cũng nhận ra trong số mấy chục con chim sắt đang nhốt trong lồng, có những con đứng ủ rủ, xù lông, mắt nhắm. Có con cánh bị cắt ngắn, không còn đuôi.
Săn chim phóng sinh
Tôi theo anh H., một người đánh chim chuyên nghiệp, nhà ở phường Lê Hồng Phong (Quy Nhơn) ra hồ Phú Hòa rập chim sắt. Giữa ba bề bốn bên ruộng lúa chỉ còn trơ gốc rạ hiện lên một khoảnh lúa chừng 6m2 đã xác xơ. Anh H. nhanh chóng lấy đồ nghề là các lồng chim mồi và lưới rập chim, chỉ tay vào đám lúa: “Mồi nhử của tôi đấy, rất hiệu quả. Khi người ta chuẩn bị cắt lúa, tôi nói họ để lại khoảnh này với giá 50.000 đồng. Bữa giờ chim ăn trơ gié ra rồi, song còn tận dụng thêm được vài lần đánh nữa…”. Nói rồi, H. lấy hai tấm lưới màu xanh tiệp với màu lúa, mỗi tấm kích thước khoảng 2m x 4m, giữ hai đầu lưới bằng một đoạn cây, rồi trải chúng nằm trên đám ruộng, sau đó căng, chỉnh, so kéo các đoạn dây đã được luồn vào mép lưới từ trước. Tiếp đến, anh bắt chim mồi ra khỏi lồng.
“Từ trước đến nay, chúng tôi chỉ bắt giữ các vụ buôn bán, vận chuyển thú rừng quý hiếm, chứ chim chóc thì chưa bao giờ. Theo Nghị định 32 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm quy định thì chim sẻ, chim sắt không nằm trong danh mục các loại cần được bảo vệ”.
Ông Tạ Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Bảo tồn thiên nhiên, Cục Kiểm lâm tỉnh
H. ngồi kiên trì phơi nắng gió chiều bên bờ đê, giảng giải cho tôi mà mắt không rời khỏi tấm lưới bẫy: “Đây là thời điểm chim đi kiếm ăn chiều. Chim sắt vốn tham ăn, cả đồng lúa chỉ còn một khoảnh này là chưa gặt, lại thêm tiếng chim mồi gọi bạn, thể nào chúng cũng bay đến. Con chim mồi quan trọng nhất là tiếng. Tiếng kêu mà hay càng gọi được nhiều”. Những con chim mồi phần vì cắt cánh, phần ở với người đã quen nên cứ điềm nhiên rỉa lúa, liên tục cất tiếng gọi bạn.
Rồi, một con, hai con... sà xuống ăn lúa. Đợi cho chim xuống đông hơn, H. bất thình lình nắm lấy hai đầu dây của hai tấm lưới giật mạnh. Hai tấm lưới sát lại nhau, dựng đứng, thu gọn số chim trong đám lưới lùng nhùng. Lựa lại những con chim mồi để vào lồng, số còn lại H. nhốt riêng vào lồng khác, nói: “Giá mỗi con bán cho bạn hàng là 6.000 đồng, chỗ này trên chục con, chiều nay thu nhập cũng tàm tạm. Cộng với số chim hồi sáng bắt được thì cũng tạm đủ rồi”.
H. là một trong số vài thợ săn chim phóng sinh chuyên nghiệp ở Quy Nhơn, nhưng anh tự nhận: “Tôi chỉ thuộc hạng xoàng thôi, chứ sư phụ tôi là anh T. mới tài tình”. Trái với vẻ hồ hởi của “đệ tử”,“sư phụ” tên T. cười nhạt: “Hay hớm gì cái nghề thất đức này mà nói với kể”. T. năm nay 39 tuổi, nhà ở phường Đống Đa, quê gốc ở Cát Hiệp (Phù Cát). T. theo cha đi đánh chim từ thời còn để chỏm. Vào Quy Nhơn, T. lăn lộn nhiều nghề, cuối cùng thì dừng lại với cái nghề này. Rồi T. trầm ngâm: “Trước đây tôi đánh chim sẻ, chim sắt, sau thấy chim sẻ “vô” quán nhậu nhiều quá, nên chuyển sang đánh chim phóng sinh thôi. Dẫu sao thì chúng còn có đường sống, lương tâm đỡ cắn rứt hơn một chút”.
Một bạn đồng nghiệp, đồng thời cũng là đệ tử của T. tên là H. “sẻ”, tiếp lời nửa thanh minh, nửa như an ủi mình: “Chúng tôi vẫn nói với nhau dù sao mình chỉ đi rập chim, chứ có người còn dùng “chiêu” ác hơn là bật loa phát tiếng chim sẻ thu sẵn, bôi keo ở một số nơi mà chim hay đậu. Chim bị dính keo, không bay được, lông rụng hết, thê thảm hơn nhiều. Ngữ ấy thì chỉ giết thịt thôi, phóng sinh sao được nữa”.
Những thợ săn chim phóng sinh chuyên nghiệp như H., T., H. “sẻ”, mỗi ngày thu nhập bình quân cũng được một vài trăm ngàn đồng, đủ nuôi gia đình, lại tự do, không bị gò bó như những nghề khác.
Phóng sinh vì nhiều lẽ
Hòa thượng Thích Nguyên Phước, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, giảng giải: “Theo nhà Phật, hiểu một cách đơn giản, phóng sinh tức là cứu chuộc mạng sống. Mục đích phóng sinh là để cầu phước, nuôi dưỡng lòng từ bi, bớt đi sự hiếu sát trong lòng mọi người. Tất cả các loài sinh vật đều có thể phóng sinh, như cứu môi sinh, môi trường sắp bị tàn hại, ô nhiễm, cứu chuộc các loài động vật sắp bị giết thịt như chim, cá, chó, mèo... Mấy năm nay, Phật tử thường mua chim, mua cá phóng sinh vì tiện cho họ…”.
Trưa hôm qua, mùng 1 tháng 10 âm lịch, tại một ngôi chùa ở Quy Nhơn, nhiều Phật tử chuẩn bị thả chim. Phần đông nói họ phóng sinh là để cầu phước, cầu thọ cho cha mẹ, cho bản thân và cho mọi người trong gia đình. Song, một số ít thẳng thắn là họ cầu tài cầu lộc, mong mua may bán đắt, hoặc để đường học hành, công danh của người thân thuận lợi hơn. Chị Lệ Hoa, 40 tuổi, nhà ở phường Trần Hưng Đạo, kể chuyện: “Cách đây mấy năm, vợ chồng tôi có mua được một căn nhà. Hôm trước ngày cúng về nhà mới, mẹ chồng tôi mang đến một lồng chim để hôm sau phóng sinh. Nhưng sáng ra, khi thấy nhiều con chim chết cứng, tôi thấy áy náy thế nào ấy. Không dám góp ý thẳng với mẹ chồng, nhưng tôi nghĩ thà đừng phóng sinh còn hơn”.
Ông Nguyễn Văn Sơn (nhà ở khu vực 4, phường Nhơn Phú), vốn quen mặt với đám thợ vẫn lui tới hồ Phú Hòa săn chim, chậc lưỡi: “Mấy ông đi săn chim phóng sinh là ác, nhưng chính là mấy người mua chim phóng sinh tiếp tay cho họ. Có cầu thì mới có cung. Chỉ tội nghiệp cho lũ chim, cứ phải chịu cảnh bắt rồi lại thả ra không biết bao nhiêu lần. Nhà tôi ở gần cầu Sắt nên tôi biết rất rõ, hễ cứ rằm, mùng một, mấy người mua cá, lươn, ếch đem xuống thả, thì đã sẵn bọn rà cá ở đó rồi. Người ở trên cầu thả, người dưới cầu chích điện cho cá chết, đem về. Bực nhất là khi ai đó phóng sinh ốc bưu vàng. Cái ngữ ấy phá hoại lúa, nông dân chúng tôi diệt mãi không xong…”.
****
Tôi hỏi nhiều Phật tử, có bao giờ họ nghĩ mua chim phóng sinh như vậy là tiếp tay cho người săn chim phóng sinh, làm điều ác hay không, phần đông đều trả lời: Phóng sinh là việc phước nên làm, người nào đi bắt để bán thì họ rước tội lỗi về phần mình…
Còn đám thợ săn chim chuyên nghiệp, tuy thừa nhận mình đang làm chuyện thất đức, nhưng vin vào cớ “có cung mới có cầu” để tự xoa dịu lương tâm mình. Thậm chí, anh H. còn bảo: “Tôi thấy người nhiều tiền mới hay phóng sinh thường xuyên, chứ nghèo thì lấy đâu ra tiền. Người làm ăn gian dối, làm việc không thiện, đêm nằm ngủ không an, mới đi phóng sinh hòng cho nhẹ tội mình”.
Bà Trần Thị Duyên, một phật tử, nhà ở phường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn, cho biết: “Trước tôi cũng hay phóng sinh, nhưng sau một lần nghe thuyết pháp về phóng sinh thì tôi không làm nữa. Thầy bảo nếu mình phóng sinh mà để cầu việc riêng cho mình, vì danh lợi cho bản thân mà bắt chim gánh tội nghiệp cho mình thì điều đó là hoàn toàn không nên”.
THU HÀ
Việc phóng sanh tốt nhất là ăn chay trường !
Xin Quý Thầy trụ trì ở các Chùa nên tuyên truyền đến phật tử nếu có lòng từ bi thì dùng số tiền phóng sanh đó, Dùng vào việc giúp đỡ trẻ em ở làng SOS , hoặc các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nằm trong bệnh viện .Chứ phóng sanh từ lâu nay chẳng có ý nghĩa thiết thực nào cả? Tu hành mà cầu danh hình thức (thanh hương vị xúc pháp) tức là "Tà đạo"." Như Thế tôn ngôn nhất thiết pháp vô ngã" Mà tại sao Quý Thầy rao giảng "hữu ngã" Đây là việc làm của tà đạo mà bà Trần thị Duyên ở đường Lê hồng Phong lột mặt nạ...Mong Phật tử gần xa hãy suy nghĩ hành động trong việc tu hành của mình chứ để lạc vào tà pháp.Giúp những kẻ "ngồi mát ăn bát vàng" hênh hoang rao giảng từ bi,siêu hình, viễn vông ảo tưởng hoang đường không thực tế...
đọc bài viết, tôi chẳng biết người ta phóng sinh để làm gì. bắt chim, rồi phóng sinh, lại xem là chuyện tốt. nếu là tốt thì xin đừng bắt chúng, rồi "dựng cảnh" phóng sinh. bất nhẫn lắm các vị ạ.
Lục tổ Huệ Năng 16 năm ở với nhóm thợ săn đã phóng sinh biết bao nhiêu con thú.Suy ra việc phóng sinh gặp đươc con vật đang bị bắt giam ,ta liền ra tay cứu mạng như vậy mới gọi là phóng sinh đúng nghĩa.Chứ kiểu phóng sinh như hiện nay ở các chùa là hình thức danh lợi phô trương lòng từ bi không ở nơi tâm.Qua bài viết này Quý Thầy nên suy nghĩ để cho những con chim,những con cá vô tội kia giảm bớt sự hành hạ,nỗi khổ thân.Nhìn hình ảnh Quý Thầy phóng các com chim bay lên.Các Thầy có nhìn thấy bao nhiêu con đã từ từ lăn nhiều vòng rơi chết trên mặt đất không?Mong rằng tâm từ bi của Phật tử hãy ngộ rằng việc làm của mình lâu nay là không được lợi ích gì cả.Hãy để khoản tiền ấy nấu nồi cháo tình thương giúp các em đang nằm điều trị bệnh ở các bệnh viện thì thiết thưc hơn.Đề nghị Ban cư sĩ và các Đạo tràng niệm Phật không nên quyên góp tiền bạc để chi mua chim,cá làm việc phóng sinh không đúng thần Phật ,Tổ dạy.
Đề nghị Hội Nhiếp ảnh Việt nam thẩm định và trao giải thưởng 3 tấm ảnh trong bài viết này.Xin cảm ơn nhà nhiếp ảnh đã nêu lên {người thật việc thật} .Có ý nghĩa" phá mê khai ngộ" rất nhân văn.
Người theo Đạo Phật mà mua chim cá phóng sinh là người vô minh.Không am hiểu gì về giáo lý Phật Thích Ca.Chỉ mong ai có lòng từ thì đừng làm những việc gây khổ đau cho chúng sinh.Cảm ơn THU HÀ đã tìm hiểu vấn đề phóng sanh viết lên tệ nạn mê tín vì cầu tiền tài danh lợi mà làm đau khổ lũ chim cá... Người phàm như chúng ta còn chư nghe,hiểu gì khi nghe Quí Thầy đọc tụng chú(Tiếng Phạn),mà chim,cá làm sao nghe ,hiểu được để tiến tu thoát kiếp thật là phi lý. Phật dạy làm việc thiện bỏ làm việc ác kia mà!Kính mong Quý Phật tử học Phật phải Văn Tu Tư xa lìa tà đạo.,mới giác ngộ và giải thoát được...