Chương trình giáo dục phổ thông mới: Sẽ bắt đầu từ năm học 2020 - 2021
Trong chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vào sáng 1.7 tại TP Quy Nhơn, các ÐBQH đã thông báo tóm tắt kết quả của kỳ họp, đồng thời ÐBQH - Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ đã giải đáp những thắc mắc của các cử tri, đặc biệt là các thắc mắc liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, ĐBQH Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: Để đổi mới được căn bản, toàn diện giáo dục thì vấn đề đầu tiên cần đổi mới là chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình mới có sự kế thừa những điểm tích cực của chương trình hiện hành và có thêm nhiều điểm mới như: Giáo dục định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, thay vì định hướng nội dung như trước đây.
Phát triển năng lực, phẩm chất học sinh
Theo đó, từ năm học 2020 - 2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu triển khai ở lớp 1; từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2, lớp 6; cuốn chiếu đến năm học 2024 - 2025 áp dụng cho tất cả các khối, lớp phổ thông. Một vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là thực hiện sách giáo khoa (SGK) cho chương trình mới cũng đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải đáp cặn kẽ. Theo Bộ trưởng, SGK sẽ thay đổi theo hình thức cuốn chiếu tương tự như thay đổi chương trình. Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang tiếp nhận các bộ SGK lớp 1 của các tổ chức, cá nhân biên soạn, sắp tới sẽ tiến hành thẩm định và lựa chọn những SGK chất lượng nhất, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh thay vì định hướng nội dung như trước.
- Trong ảnh: Hội thi viết thư pháp của Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (Tuy Phước).
Để giải quyết vấn đề quá tải trường, lớp, ảnh hưởng đến chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan khảo sát tốc độ gia tăng dân số qua từng năm tại từng địa bàn, số trẻ di dân cơ học, để có kiến nghị phù hợp về việc xây dựng trường, lớp phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới và phù hợp với các quy định trong Luật Giáo dục vừa được Quốc hội thông qua. Tất cả những thông tin này đã và đang được Bộ phối hợp với các tỉnh thành tính toán đến chi tiết, đảm bảo ưu tiên vì lợi ích của người học.
Cùng với đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Ở Luật Giáo dục (sửa đổi), có bổ sung chính sách không thu học phí đối với học sinh tiểu học, THCS giáo dục công lập. Ở những địa bàn không đủ trường công lập, học sinh trong cơ sở giáo dục tư thục được hỗ trợ học phí và trẻ em mầm non 5 tuổi ở những thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được miễn học phí. Riêng đối với trẻ mầm non 5 tuổi thuộc những địa bàn còn lại và học sinh THCS cũng sẽ được miễn học phí nhưng sẽ có lộ trình riêng. Bộ GD&ĐT sẽ tích cực đề xuất cụ thể để Chính phủ có chính sách miễn giảm theo lộ trình đối với các đối tượng này.
Nâng cao chất lượng nhà giáo
Cử tri cả nước rất quan tâm đến vấn đề xuống cấp về đạo đức của một bộ phận giáo viên và hàng loạt những vấn đề về bạo hành, dạy thêm vì tiền, trục lợi trong giáo dục. Một trong những giải pháp quan trọng, được xem như là cái gốc của vấn đề là phải đào tạo những giáo viên có đủ tâm - đức - tài để gánh vác trọng trách là những người thầy.
Bày tỏ về sự quan tâm đối với vấn đề “người thầy”, bà Lê Thanh Thủy (Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) nêu ý kiến: Khi xảy ra vấn đề bạo lực học đường, nhiều phóng viên, trang mạng xã hội dù chưa biết đúng sai nhưng đều không đứng về phía giáo viên, nhà trường, từ đó làm ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, giảm bớt nhiệt huyết của giáo viên. Trong khi đó, đối tượng cần bảo vệ nhất ở mọi tình huống đều là học sinh. Theo bà Thủy, mạng xã hội cũng đang gây áp lực rất lớn.
Ðể vững vàng trên bục giảng, thầy cô khi đến lớp không chỉ vững về kiến thức, kỹ năng mà còn phải sáng tạo ở phương pháp giảng dạy, muốn có sự tiến bộ thì phải cố gắng cập nhật những gì còn thiếu... Ðể giảm bạo lực học đường, điều đầu tiên nên làm, cần làm là yêu thương các em hơn.
ĐBQH Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Dành khá nhiều thời gian cho mối quan tâm này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn phân tích: Vấn đề “người thầy”, “bạo lực học đường” cần được nhìn nhận một cách công bằng, từ nhiều phía và phải thấy rõ trách nhiệm của nhà trường - gia đình và xã hội trong giáo dục các học sinh. Thời gian qua, Bộ GD&ĐT tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có các giải pháp ngăn ngừa, phòng chống bạo lực trong trường học, góp phần tạo nên môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, trường học hạnh phúc. Đồng thời, các trường sư phạm nghiên cứu xây dựng những chuyên đề, nội dung để bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về kỹ năng phòng chống bạo lực học đường; kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm... để việc áp dụng trong thực tế giảng dạy tại địa phương được hiệu quả, thiết thực.
Chia sẻ với cử tri trong cả tư cách là ĐBQH và trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết: Để vững vàng trên bục giảng, thầy cô khi đến lớp không chỉ vững về kiến thức, kỹ năng mà còn phải sáng tạo ở phương pháp giảng dạy, muốn có sự tiến bộ thì phải cố gắng cập nhật những gì còn thiếu. Đừng nghĩ mình là giáo viên rồi, đi dạy rồi thì không cần phải học gì nữa! Để giảm bạo lực học đường, điều đầu tiên nên làm, cần làm là yêu thương các em hơn. Ở kỳ tiếp xúc trước, qua báo Đảng địa phương, tôi biết ở Bình Định có thầy cô giáo nêu gương tốt. Qua các nhà báo, tôi đã chuyển lời chúc mừng và tôi còn muốn chúc mừng nhiều lần nữa đến những thầy cô nỗ lực hết mình vì học sinh thân yêu.
“Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, điều chúng tôi mong muốn và đang cố gắng là tiền lương, phụ cấp của giáo viên sẽ tốt hơn, phù hợp với sự cống hiến của các thầy cô”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
THẢO KHUY