Về một cách xin lỗi, cảm ơn
Trong tiếng Việt, có nhiều cách để bày tỏ lòng biết lỗi, biết ơn. Hiện nay, trong ngôn ngữ sinh hoạt, có một cách rất phổ biến là dùng tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh. Thay vì “xin lỗi”, nhiều người lại nói “sorry”. Tương tự, thay vì “cảm ơn”, không ít người thích dùng “thanks”, “thank you”.
Chúng ta nghĩ gì về hiện tượng này? Có người cho rằng đây là điều rất bình thường trong thời đại hội nhập thế giới. Cũng có người cho rằng đây chỉ là khẩu ngữ, thêm vài từ vay mượn cho phong phú cũng chẳng vấn đề gì.
Dĩ nhiên, những quan niệm trên đều có cơ sở. Nhưng cũng cần biết rằng, ngoài chức năng “dùng làm lời nói lễ phép, lịch sự” trong giao tiếp, “xin lỗi” và “cảm ơn” còn được dùng để bày tỏ lòng biết lỗi, biết ơn. Đặc biệt, chúng có một sắc thái biểu cảm mà chắc chắn những từ ngoại lai như “sorry”, “thank you” khó có thể chuyển được thông điệp chân thành, thật lòng trong hành động bày tỏ lòng hối lỗi, biết ơn.
Giả sử, bạn hết lòng giúp người khác một việc quan trọng và nhận lại được một tin nhắn “thank you nhé”, hoặc tương tự, ai đó gây ra cho bạn một nỗi đau lớn và nói với bạn “tôi sorry”, bạn sẽ nghĩ gì?
Biết nhận lỗi, biết cảm ơn có ý nghĩa quan trọng trong việc tự hoàn thiện nhân cách. Cho nên, ở nhiều nơi, bài học vỡ lòng mà người ta dạy trẻ là nói “cảm ơn”, “xin lỗi”. Trong khi đó, không ít trong chúng ta thường lại không dám đối diện với lời cảm ơn, xin lỗi chân thành. Việc chuyển dịch sang dùng từ vay mượn chính là biểu hiện rõ nét nhất cho tâm lý ngại cảm ơn, ngại xin lỗi.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ