Nghệ nhân Lý Thành Long: Nhiều cống hiến cho dân ca, bài chòi
Trong 5 năm qua, nghệ nhân Lý Thành Long (53 tuổi, ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn) đã sáng tác, dàn dựng gần 40 tác phẩm dân ca, bài chòi khác nhau, khai thác đề tài trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Anh còn là nhân tố tích cực trong phục dựng, hướng dẫn tổ chức hội đánh bài chòi dân gian ở huyện Hoài Nhơn.
Vừa thừa hưởng truyền thống nghệ thuật, âm nhạc từ gia đình, vừa được học hành bài bản tại lớp nhạc công âm nhạc truyền thống (khóa 3) của Trường Trung học VHNT Nghĩa Bình, nhiều năm qua, nghệ nhân Lý Thành Long là một trong những hạt nhân tích cực, có nhiều cống hiến cho công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca, bài chòi ở huyện Hoài Nhơn. Không chỉ nổi tiếng ở lĩnh vực trình diễn (chuyên môn chính của anh là nhạc công), Lý Thành Long còn “mát tay” ở lĩnh vực dàn dựng và sáng tác. Bởi đa năng và có nhiều cống hiến, anh từng được đề cử xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Nghệ nhân Lý Thành Long (ngoài cùng bên trái) là một trong 5 cá nhân có thành tích xuất sắc vừa được UBND tỉnh tặng Bằng khen tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Trong 5 năm qua, Lý Thành Long đã viết và dàn dựng 17 tác phẩm bài chòi. Anh tâm sự: “Cái gì khiến mình rung động là mình viết. Mình yêu quê hương Hoài Nhơn, mình viết để ca ngợi đất nước con người quê hương. Mình ngưỡng mộ những ngư dân vươn khơi bám biển, giữ gìn chủ quyền biển đảo Việt Nam thì mình viết về họ. Mình tâm đắc với Bác Hồ thì mình viết về đề tài học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Khi đã yêu mến, tâm đắc, dường như mọi thứ trở nên đơn giản, dễ dàng với Lý Thành Long. Có lẽ vì thế nên anh mới có thể sáng tác tới 16 kịch ngắn dân ca - bài chòi, phản ảnh sinh động thực tế phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phòng, chống các tệ nạn xã hội... Nhiều tác phẩm của anh được các sở, ngành, hội, đoàn thể, địa phương dàn dựng, tham gia đạt giải cao tại nhiều hội thi. Ngay cả những đề tài tưởng chừng đơn điệu như xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, ATGT... anh cũng có 6 kịch ngắn đạt giải cao khi đi thi cấp tỉnh.
Nghệ nhân Lý Thành Long (giữa) đã tích cực đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy hội đánh bài chòi cổ dân gian ở huyện Hoài Nhơn.
Hỏi làm sao mà anh có thể trải rộng phạm vi đề tài như thế, Lý Thành Long chia sẻ: “Tôi lắng nghe, ghi chép lời ăn tiếng nói của mọi tầng lớp nhân dân để tích lũy vốn sống, tôi trau dồi cả cảm xúc của mình, nhờ vậy tác phẩm của tôi mang đậm hơi thở cuộc sống. Tôi cũng để ý nắm bắt kịp thời những thông tin thời sự, cập nhật những vấn đề mà cộng đồng xã hội đang quan tâm để khai thác, đưa vào trong sáng tác, dàn dựng... Có như vậy người xem, người nghe mới đồng cảm với mình”.
Những năm qua, nghệ nhân Lý Thành Long rất tích cực đi về các xã trong huyện để tập luyện, dàn dựng, góp phần hỗ trợ thành lập các CLB bài chòi dân gian ở các xã, tham gia tổ chức giao lưu giữa các CLB. Đặc biệt, anh phối hợp với một số nghệ nhân hướng dẫn, tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy hội đánh bài chòi dân gian ở một số trường THCS trên địa bàn huyện. Không chỉ làm nhạc công, làm hiệu, nghệ nhân Lý Thành Long còn sưu tầm gần 100 câu thai và sáng tác hơn 200 câu thai mới để phục vụ hội đánh bài chòi dân gian...
Anh chia sẻ: Mỗi tên con bài trong hội đánh bài chòi dân gian đều có thể tạo ra những câu thai mới, nhưng trước khi viết được cái mới, phải giữ được vẻ đẹp câu thai nguyên bản. Ngoài những câu thai cổ đang được lưu truyền, tôi và đồng nghiệp, những người giàu tâm huyết với bài chòi dân gian tự thấy phải truyền cảm hứng để các cháu học sinh phổ thông yêu mến bài chòi dân gian, muốn vậy mình phải tìm tòi sáng tác nhiều câu thai mới phù hợp với tâm lý tình cảm với các cháu.
HOÀI THU