Lợi đơn, lợi kép
Mô hình sản xuất, tiêu thụ và chế biến đậu phụng theo liên kết chuỗi do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với ngành chức năng các huyện Phù Cát, Hoài Nhơn, Tây Sơn thực hiện trong vụ Hè Thu mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia.
Vừa mới bán xong đậu phụng vụ Hè Thu với giá cao, ông Lê Bá Danh, ở thôn Thái Phú, xã Cát Tài, huyện Phù Cát - một trong những hộ thực hiện mô hình sản xuất, tiêu thụ và chế biến đậu phụng theo liên kết chuỗi - phấn khởi khoe: “Đậu phụng sản xuất trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhưng năng suất vẫn đạt 3 tạ/sào. Mừng hơn nữa là đầu ra sản phẩm thuận lợi, thu hoạch xong là bán ngay với giá cao, không cần phải mất công, tốn sức phơi phóng. Vụ này, tôi sản xuất hơn 10 sào, thu được 36 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với làm lúa”.
Mô hình liên kết chuỗi sản xuất, bao tiêu và chế biến đậu phụng tại xã Cát Tài, huyện Phù Cát cho hiệu quả kinh tế cao.
Chung niềm vui được mùa, được giá, bà Lê Thị Lũy, cùng ở thôn Thái Phú, chia sẻ: Tham gia mô hình, chúng tôi vừa được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, lựa chọn giống, vừa được hỗ trợ một phần vật tư. Vụ này gia đình tôi sản xuất 5 sào đậu phụng, cao hơn nhiều so với năm trước. Đáng chú ý là chúng tôi có quyền được lựa chọn đối tác để bán sản phẩm với giá phù hợp, nên không sợ bị ép giá.
Là đơn vị thực hiện mô hình và đại diện cho tổ chức nông dân đứng ra ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm cho cơ sở ép dầu đậu phụng tại địa phương, ông Tôn Thất Khoa, Phó Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Cát Tài, cho hay: Diện tích đậu phụng ở Cát Tài khá lớn, nhưng lâu nay, nông dân vẫn cứ mạnh ai nấy làm, đầu ra sản phẩm không ổn định nên thu nhập không cao. Việc nâng cao hiệu quả sản xuất cho thành viên HTX là trăn trở của chúng tôi. Vì vậy, khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Phù Cát tư vấn, hướng dẫn, HTX mạnh dạn thực hiện mô hình và đại diện cho 33 thành viên HTX ký hợp đồng với cơ sở ép dầu đậu phụng Công Chính tại địa phương. Chúng tôi đã thống nhất thu mua giá 20.000 đồng/kg đậu phụng khô cho nông dân. Tuy nhiên, nếu giá đậu phụng trên thị trường cao hơn, bà con vẫn có quyền bán tự do. Hợp đồng có điều khoản linh hoạt này đã động viên người trồng đậu phụng rất nhiều, tạo được độ tin cậy ngay từ đầu cho tất cả các bên tham gia chuỗi. Thực tế, tất cả các hộ tham gia mô hình đều có thu nhập cao.
Cũng với cách làm trên, chuỗi liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ và chế biến đậu phụng tại các huyện Hoài Nhơn và Tây Sơn đã mang lại hiệu quả cao. Diện tích đậu phụng thực hiện tại các hợp đồng đều thuộc những chân đất vốn canh tác lúa kém hiệu quả, thuộc diện phải chuyển đổi, nhưng lợi nhuận mà nông dân thu được lên tới 35,55 triệu đồng/ha, cao hơn 460 nghìn đồng/ha so với cánh đồng đối chứng và cao hơn 2 lần so với sản xuất lúa.
TS Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Diện tích sản xuất đậu phụng hàng năm của tỉnh lớn - 9.850 ha, nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế không cao do nông dân sử dụng nhiều loại giống đã bị thoái hóa và khả năng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế còn hạn chế. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng chưa hợp lý, dẫn đến lãng phí và gây ô nhiễm môi trường. Một vấn đề khác đáng quan tâm là tỉnh ta chưa hình thành và duy trì được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đậu phụng, trong khi đây được xem là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Do vậy, liên kết nông dân và DN hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp để phát triển liên minh sản xuất, tiêu thụ, từ đó tăng cường chuỗi giá trị hàng hóa là việc rất cần thiết. Từ thực tế mô hình sản xuất, thu mua và chế biến đậu phụng đã thực hiện, chúng tôi mong muốn chính quyền các địa phương nghiên cứu, có giải pháp để tiếp tục nhân mô hình ra diện rộng.
PHẠM TIẾN SỸ