Trừ sâu keo mùa thu đúng cách
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) xác nhận sâu keo mùa thu (FAW) đã chính thức xâm nhập vào Việt Nam, gây hại cây trồng tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Bình Định. FAW có thể ăn hơn 300 loài thực vật (trong đó có khoảng 80 loại cây trồng, với gần 40% là các loại cây trồng có vai trò quan trọng về mặt kinh tế), song thiệt hại nặng nề nhất là: bắp, lúa, kê, mía, táo, cam…
Sâu keo mùa thu gây hại trên bắp giai đoạn trổ cờ phun râu tại huyện Hoài Ân.
Trên địa bàn tỉnh Bình Định, hiện nay FAW đã xuất hiện và gây hại cục bộ chủ yếu trên cây bắp. Quan sát tại các ruộng bắp cho thấy, trên cùng một khu ruộng, FAW có nhiều giai đoạn, gồm cả trưởng thành, trứng, sâu non các tuổi. Điều này là do việc phun trừ sâu không đúng yêu cầu kỹ thuật; nông dân phun nhiều lần vẫn không diệt trừ hết sâu lại còn làm sâu nhanh chóng kháng thuốc.
Theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, quy trình kỹ thuật phòng chống FAW bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp cụ thể như sau:
Áp dụng các biện pháp canh tác như làm sạch cỏ dại để hạn chế nơi trú ẩn của sâu; làm đất kết hợp phơi đất để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc bị thiên địch tiêu diệt; luân canh bắp - lúa nước ngay sau vụ bắp để diệt nhộng trong đất, kết hợp các biện pháp thủ công để phát hiện, tiêu hủy các ổ trứng. Các biện pháp sinh học có thể sử dụng là: Dùng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, hoặc nhân thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ), các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm, để kiểm soát sâu non mới nở - tuổi nhỏ.
Giải pháp sau cùng là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ sâu ở giai đoạn bắp có 3 - 6 lá, phun sáng sớm hoặc chiều mát bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hoạt chất Bacillus thuringiensis (Biocin 16WP, Dipel 6,4WG), Spinetoram (Radiant 60SC), thuốc có tác dụng ngăn chặn quá trình tổng hợp chất Chitin như Lufenuron (Match 050EC) hoặc nhóm thuốc có tính thấm sâu vào cây trồng như Indoxacarb (Amater 150SC, Opulent 150SC).
ĐINH VĂN TOẠI