Hội thao các dân tộc thiểu số miền núi toàn quốc khu vực 2:
Bình Định đặt chỉ tiêu 2 HCV
Theo kế hoạch, Hội thao các dân tộc thiểu số miền núi toàn quốc khu vực 2 lần thứ VIII - năm 2013 sẽ khai mạc vào ngày 10.11 tại tỉnh Gia Lai. Với lực lượng tham gia khá khiêm tốn, đoàn Bình Định chỉ đặt chỉ tiêu giành 2 huy chương Vàng tại Hội thao lần này.
Hội thao các dân tộc thiểu số miền núi toàn quốc khu vực 2 lần thứ VIII - năm 2013 có các môn: bóng đá nam 11 người, bóng chuyền (nam, nữ), đẩy gậy, kéo co (nam - nữ, mỗi nội dung 2 hạng cân), việt dã, cà kheo và bắn nỏ (8 nội dung). Đoàn Bình Định tham gia Hội thao với 16 VĐV, thi đấu ở 4 môn: bóng chuyền nam, kéo co, đẩy gậy và bắn nỏ.
Để chuẩn bị cho Hội thao lần này, Sở VH-TT&DL giao cho Phòng Nghiệp vụ Thể thao làm việc với các địa phương để tuyển chọn VĐV, bố trí HLV ở các bộ môn để tổ chức tập luyện tại cơ sở. Ông Võ Đình Hùng, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Thể thao, cho biết: “Sau quá trình tập luyện và kiểm tra, đã có một số thay đổi trong thành phần lực lượng VĐV so với các kỳ hội thao trước. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn của các VĐV hiện nay vẫn giữ được sự ổn định. Do đó, chúng tôi đặt chỉ tiêu giành 2 huy chương Vàng tại Hội thao lần này”.
Trong số 4 môn tham gia Hội thao, đoàn Bình Định đặt nhiều hy vọng cạnh tranh huy chương ở môn bóng chuyền nam và bắn nỏ. Trong những lần hội thao trước đây, chúng ta từng giành được huy chương Bạc, huy chương Đồng ở môn bóng chuyền nam. Năm nay, lực lượng chính của đội bóng chuyền nam là các VĐV ở huyện An Lão, việc có thể lọt vào nhóm tranh chấp huy chương hay không vẫn còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Trong khi đó, dù từng có thời gian “làm mưa làm gió” ở môn bắn nỏ, nhưng do có một số biến động về lực lượng và những điều kiện khách quan khác, cơ hội giành huy chương của đoàn Bình Định bị giảm đi đáng kể. Việc VĐV kỳ cựu Đinh Nhin qua đời hồi đầu năm nay là một tổn thất lớn của bắn nỏ Bình Định. Không chỉ là một VĐV xuất sắc, nắm giữ vai trò trụ cột ở nhiều nội dung, Đinh Nhin còn là người chế tạo, chỉnh sửa nỏ cho đội tuyển.
Ở các nội dung dành cho nam, chúng ta vẫn còn sự góp mặt của các VĐV Đinh Thưa, Đinh Thép; về phía nữ có Đinh Thị Thống, Đinh Thị Rêu. Thời gian gần đây, dù ít tham gia các giải đấu vì bận chăm con nhỏ, nhưng sự hiện diện của Đinh Thị Thống cũng phần nào làm các đồng đội vững tin hơn, khi cô vẫn giữ được phong độ khá ổn định.
Việc Ban Tổ chức quy định các VĐV nữ phải tự lên dây nỏ cũng gây một số khó khăn cho các VĐV. Để thích ứng với thay đổi này, đội tuyển bắn nỏ Bình Định phải chỉnh sửa một số chi tiết trên nỏ để các VĐV nữ thao tác dễ dàng hơn, nhưng cũng có thể điều đó sẽ ảnh hưởng đến những yếu tố kỹ thuật. Thêm vào đó, việc Ban Tổ chức bỏ hai nội dung đồng đội cũng làm giảm cơ hội giành huy chương của đoàn Bình Định, vì đây là hai nội dung thế mạnh của chúng ta. Không chỉ gặp khó khăn từ những nguyên nhân kể trên, việc một số đơn vị như Đắk Lắk, Quảng Nam… có sự tiến bộ vượt bậc trong thời gian qua cũng sẽ tạo nên sự cạnh tranh rất lớn cho đoàn VĐV dân tộc thiểu số đến từ đất Võ.
LÊ CƯỜNG
tôi thấy đợt đi tham gia lễ hội các dân tộc thiểu số của tỉnh bình định lần này là chạy theo thành tích mà thôi. Tôi biết môn bóng chuyền nam huyện an lão rất mạnh nhưng vào qui nhơn không tập một buổi nào mà đi thi đấu liền thì sao mà có kết quả tốt được. Thế sao không cho vận động viên tập luyện vậy? Còn ở huyện thì ông Thái có nhận tập luyện cho tỉnh hay không mà ko thấy tập luyện bữa nào cả. Hơn nữa ông Thái đâu có biết đánh bóng đâu, hồi giờ đâu có chỉ đạo cách đánh đâu mà chỉ tuyển chọn vận động viên xuất sắc từ các xã đi thi đấu. Thật không công bằng